Công nhân Công ty Điện lực Bắc Ninh kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện hạ áp. Ảnh: CÔNG QUANG Năm 2012, mặc dù kinh tế cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp Bắc Ninh vẫn tăng trưởng mạnh, nhờ đó, sản lượng điện thương phẩm năm qua của Công ty Điện lực (CTĐL) Bắc Ninh đạt 2,2 tỷ kW giờ, tăng 18% so năm trước, trong đó điện cho sản xuất công nghiệp chiếm tới 73,45%.Cũng do các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn mở rộng sản xuất, số lượng lao động dồn về các KCN tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng điện, nhất là việc cấp điện sinh hoạt cho khu vực dân cư chung quanh các KCN tập trung. Sau 15 năm tái lập tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã có sự tăng trưởng vượt bậc về sản xuất công nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.211 USD/năm; trên địa bàn tỉnh hiện có 15 KCN, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp...
Công nhân Công ty Điện lực Bắc Ninh kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện hạ áp. Ảnh: CÔNG QUANG |
Năm 2012, mặc dù kinh tế cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp Bắc Ninh vẫn tăng trưởng mạnh, nhờ đó, sản lượng điện thương phẩm năm qua của Công ty Điện lực (CTĐL) Bắc Ninh đạt 2,2 tỷ kW giờ, tăng 18% so năm trước, trong đó điện cho sản xuất công nghiệp chiếm tới 73,45%.
Cũng do các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn mở rộng sản xuất, số lượng lao động dồn về các KCN tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng điện, nhất là việc cấp điện sinh hoạt cho khu vực dân cư chung quanh các KCN tập trung.
Sau 15 năm tái lập tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã có sự tăng trưởng vượt bậc về sản xuất công nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.211 USD/năm; trên địa bàn tỉnh hiện có 15 KCN, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 13 tỷ USD, đưa Bắc Ninh trở thành một trong chín tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước.
Điều này kéo theo nhu cầu điện trên địa bàn tỉnh tăng vọt trong năm 2012, phát sinh nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng điện. Nhiều doanh nghiệp lớn trong các KCN Yên Phong, VSIP, Đại Đồng-Hoàn Sơn, Tiên Sơn, Quế Võ… mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm hàng chục nghìn công nhân. Số lao động tăng đột biến, lên đến cả trăm nghìn người dồn về thuê phòng tạm trú ở các thôn, xóm 16 xã thuộc các huyện Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, thị xã Từ Sơn và TP Bắc Ninh ven các KCN, dẫn đến lưới điện tiêu dùng ở khu vực này bị quá tải trầm trọng, thường xuyên xảy ra các sự cố sụt áp, mất điện, nhất là vào các giờ cao điểm từ 17 đến 19 giờ hằng ngày, ảnh hưởng lớn đời sống nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Đây cũng là chủ đề “nóng” được đem ra chất vấn ngành điện tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua. Năm 2013, Samsung dự kiến mở rộng sản xuất, tuyển thêm khoảng 50 nghìn lao động chưa kể các doanh nghiệp khác, lúc đó sức ép lên hạ tầng, nhất là về điện còn nặng nề hơn. KCN Quế Võ cũng có tình trạng quá tải lưới điện do chủ đầu tư là Tổng công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đầu tư, quản lý và vận hành, hiện đã xuống cấp, quá tải trầm trọng, trong khi KBC lại không có khả năng nâng cấp. Theo quy hoạch, giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn Bắc Ninh phải xây dựng hai trạm biến áp (TBA) 220 kV là Bắc Ninh 2 (Tiên Sơn), Bắc Ninh 3 (Yên Phong) và các đoạn đường dây đấu nối, nâng công suất TBA 220 kV (Quế Võ) Bắc Ninh; xây dựng mới nhiều TBA và đường dây 110 kV trên địa bàn nhưng những công trình này cũng đang vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc điều chỉnh quy hoạch nên triển khai chậm hoặc chưa triển khai được.
Trước tình hình nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức cuộc làm việc với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), CTĐL Bắc Ninh với tinh thần hết sức cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề, nhận thức rõ trách nhiệm của các bên để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc gặp, Tổng Giám đốc EVNNPC Nguyễn Phúc Vinh cam kết với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cân đối các nguồn vốn, bố trí gấp 60 tỷ đồng cho CTĐL Bắc Ninh đầu tư nâng cấp 27 TBA với tổng công suất 8.460 kVA và đường dây tại 16 xã đang quá tải, phấn đấu đến ngày 30-6-2013 phải hoàn thành. Ngành điện cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện, ưu tiên bàn giao đầy đủ, đúng tiến độ mặt bằng cho các dự án lưới điện; phối hợp chặt chẽ ngành điện triển khai nhanh, gọn các dự án lưới điện trên địa bàn. EVNNPC cũng kiến nghị mua lại hạ tầng lưới điện tại KCN Quế Võ để tập trung cải tạo nhằm cung cấp điện ổn định cho các DN tại KCN này. Đồng thời kiến nghị tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng các TBA và đường dây 220/110 kV trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy nhất trí quan điểm này, thẳng thắn nhìn nhận, việc bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án lưới điện là trách nhiệm của tỉnh, do vậy, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cam kết chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương, quyết liệt hơn, “xắn tay” cùng với ngành điện, vận dụng các cơ chế, chính sách để đưa các công trình điện cấp bách, nhất là các TBA 220/110 kV sớm đi vào vận hành. Lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên phối hợp với CTĐL Bắc Ninh giải quyết tiến độ bàn giao mặt bằng, thường xuyên báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời giải quyết mọi vướng mắc. Đồng thời khẳng định, từ nay, khi đầu tư các KCN trong tỉnh, hạ tầng điện sẽ do ngành điện đầu tư, quản lý, bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và EVNNPC thông qua trao đổi ý kiến, với tinh thần trách nhiệm cao vì sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là một việc làm rất đáng ghi nhận. Hy vọng với sự nhất trí cao này, việc cấp điện cho sản xuất công nghiệp và đời sống nhân dân trên địa bàn Bắc Ninh năm 2013 sẽ được cải thiện, không còn ách tắc. Qua sự việc cung ứng điện ở Bắc Ninh cũng cho thấy việc cấp điện cho sản xuất công nghiệp, nhất là các KCN và vùng lân cận còn nhiều bất cập, nhất là công tác dự báo quy hoạch. Đây là vấn đề không phải đặc thù của Bắc Ninh mà còn ở các địa phương khác, nhất là các địa phương có sự phát triển nhanh về công nghiệp. Các địa phương và ngành điện cần phối hợp tốt hơn để làm tốt công tác tham mưu, dự báo để có kế hoạch triển khai cụ thể, đồng bộ. Khi có vấn đề phát sinh, cần phối hợp xử lý trên tinh thần hiểu biết và trách nhiệm để việc giải quyết được thuận lợi và hiệu quả cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()