Cùng tăng tốc trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS
Ngày Thế giới phòng chống AIDS được kỷ niệm vào ngày 1/12 hàng năm trên toàn thế giới. Đây là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nâng cao nhận thức và thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc đối mặt với đại dịch này.
Ngoài ra, Ngày Thế giới phòng chống AIDS cũng là dịp để các đối tác tuyên truyền kiến thức về đại dịch và khuyến khích sự phát triển trong phòng chống HIV/AIDS, điều trị và chăm sóc ở những nước có tỷ lệ nhiễm cao và trên toàn thế giới.
Những nỗ lực đáng tự hào…
Báo cáo mới vừa được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công bố tháng 11/2016 cho thấy các quốc gia trên thế giới đang trên đà tăng tốc trong cuộc chiến chống HIV/AIDS khi chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 1 – 6/2016), có thêm 1 triệu người được tiếp cận với liệu pháp điều trị. Theo đó, tới tháng 6/2016, khoảng 18,2 triệu người đã được tiếp cận với các loại thuốc cứu sống, trong đó có 910.000 trẻ em, tăng gấp đôi so với con số thống kê đưa ra vào thời điểm 5 năm trước. Nếu chúng ta duy trì và củng cố những nỗ lực này, thế giới sẽ trên đà đạt được mục tiêu có 30 triệu người được điều trị vào năm 2020.
Ngoài ra, trên quy mô toàn cầu, việc tiếp cận với các loại thuốc phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cũng đã tăng lên 77% vào năm 2015 trong khi chỉ ở mức 50% vào năm 2010. Vì vậy, số ca nhiễm HIV mới ở trẻ em đã giảm 51% kể từ năm 2010. UNAIDS cũng nhấn mạnh rằng trong số 150.000 trẻ em mới nhiễm HIV trong năm 2015, khoảng một nửa đã bị nhiễm bệnh trong giai đoạn bú sữa mẹ. Trong bối cảnh đó, UNAIDS nhấn mạnh tình trạng nhiễm khuẩn trong quá trình cho con bú có thể được ngăn chặn nếu các bà mẹ có HIV được hỗ trợ điều trị kháng virus liên tục giúp họ nuôi con bằng sữa mẹ không gặp nguy cơ gì và bảo đảm an toàn cho con cái họ cũng như bảo vệ lợi ích thiết yếu của sữa mẹ.
Lưu ý độ tuổi 15 – 24 là khoảng thời gian vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ trẻ khi vào năm 2015, mỗi tuần có khoảng 7.500 phụ nữ trẻ mới bị nhiễm HIV, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho biết trên toàn cầu, số ca nhiễm mới HIV ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 15 – 24 đã giảm 6%, từ 420.000 trường hợp xuống còn 390 000 trường hợp trong giai đoạn 2010 – 2015.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: 35 năm sau khi khởi phát bệnh AIDS, cộng đồng quốc tế có thể tự hào về những kết quả đã đạt được… Nhiều tiến bộ thực sự đã được thực hiện để đối mặt với căn bệnh này. Những người được điều trị đã nhiều hơn bao giờ hết. Từ năm 2010, số trẻ em bị nhiễm lây truyền từ mẹ sang con đã giảm một nửa. Ngày càng ít người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến AIDS mỗi năm, và những người bị nhiễm đang sống lâu hơn. Trong 5 năm qua, số lượng người được tiếp cận với các loại thuốc cứu sống đã tăng gấp đôi, lên hơn 18 triệu người. Thông qua các khoản đầu tư khôn ngoan, thế giới có thể đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu có 30 triệu người được điều trị vào năm 2030. Thuốc chống HIV để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ con đang có sẵn cho hơn 75% số người có nhu cầu…
…song thành quả vẫn mong manh…
Tuy nhiên, như nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc đã lưu ý: Tiến độ là hiển nhiên, nhưng những thành quả vẫn còn mong manh. Phụ nữ trẻ vẫn đặc biệt dễ bị lây nhiễm tại những nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao, đặc biệt ở châu Phi cận Sahara. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV tiếp tục chênh lệch về tỷ lệ. Các ca nhiễm mới đang gia tăng trong nhóm tiêm chích ma túy và những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới. Quy mô dịch AIDS lớn hơn ở Đông Âu và Trung Á, do bị kỳ thị, phân biệt đối xử và pháp luật trừng phạt. Những người kinh tế khó khăn được tiếp cận hạn chế với các dịch vụ và chăm sóc điều trị HV. Hình sự hóa và phân biệt đối xử vẫn gây ra các ca nhiễm mới mỗi ngày. Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng đặc biệt bị ảnh hưởng…
Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cũng công bố các số liệu cho thấy thực trạng xét nghiệm sàng lọc vẫn còn là một mối quan ngại lớn khi chỉ có 4 trong số 21 quốc gia ưu tiên ở châu Phi đã tiến hành xét nghiệm HIV cho hơn một nửa số trẻ phơi nhiễm HIV trong những tuần đầu đời. Tại Nigeria – quốc gia có tới 1/4 số ca nhiễm HIV mới ở trẻ em trên toàn thế giới, chỉ khoảng một nửa số phụ nữ mang thai có HIV được xét nghiệm HIV.
Không những thế, báo cáo về những lỗ hổng trong phòng chống HIV/AIDS được UNAIDS công bố hồi tháng 6 vừa qua cũng cho thấy thực tế là những nỗ lực phòng chống HIV không hiệu quả đối với người trưởng thành khi số ca nhiễm HIV mới trong nhóm đối tượng này đã không hề suy giảm trong vòng ít nhất 5 năm qua.
…đòi hỏi tăng tốc nhằm loại bỏ hoàn toàn HIV/AIDS
Để đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc ứng phó với đại dịch AIDS, UNAIDS đã phát triển cách tiếp cận tăng tốc nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong đó, các mục tiêu đặc biệt được nhấn mạnh là: 90% những người có HIV biết được tình trạng HIV của họ, 90% những người biết được tình trạng lây nhiễm có thể được điều trị, 90% những người được điều trị có lượng virus bị ức chế. Ngoài ra, UNAIDS cũng lưu ý việc giảm thiểu số trường hợp lây nhiễm HIV mới và thực hiện được mục tiêu không phân biệt đối xử với người có HIV. Theo UNAIDS, nếu thế giới không tăng tốc hành động nhằm loại bỏ đại dịch HIV/AIDS trong những năm tới, dịch bệnh này sẽ có thể bùng phát trở lại và lên tới mức đỉnh điểm như chục năm về trước.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay (1/12/2016), Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Michel Sidibé tuyên bố nêu rõ: Thế giới đã cam kết sẽ loại bỏ dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh các mục tiêu phát triển bền vững.
Ghi nhận các quốc gia đã tăng cường nhiều biện pháp can thiệp và những kết quả tích cực đạt được đến nay cho phép chúng ta nhìn về phía trước tràn đầy hy vọng, ông Michel Sidibé tuy vậy cũng lưu ý cộng đồng quốc tế “không được nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình”. Theo Giám đốc UNAIDS, bệnh AIDS còn xa mới được loại bỏ, nhưng nó có thể được loại bỏ. Những thách thức cơ bản về chính trị, tài chính và thực thi hiện vẫn còn, nhưng chúng ta không được dừng lại. Bây giờ là thời điểm để chúng ta cùng tiến về phía trước nhằm bảo bảo rằng trẻ em sinh ra không có HIV, người trẻ lớn lên mà không có HIV, người lớn sống không có HIV và bảo đảm mọi người cùng có quyền tiếp cận với các biện pháp điều trị, hướng tới một thế giới không có AIDS.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng tuyên bố nhấn mạnh: Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 đã được thông qua với thiện chí không để ai bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Trong bất kỳ một lĩnh vực nào, nguyên tắc này cũng quan trọng, như trong cuộc chiến chống AIDS. Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, để làm được điều này, cần tập trung trợ giúp những người trẻ tuổi, dễ bị tổn thương và thiệt thòi bị đẩy ra ngoài lề xã hội bởi họ chính là các đối tượng đặc biệt chịu sự lây lan của dịch bệnh AIDS. “Tại thời điểm nhiệm kỳ làm Tổng thư ký sắp kết thúc, tôi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ tới tất cả mọi người: Hãy làm mới cam kết để cùng thực hiện tầm nhìn của chúng ta về một thế giới không có AIDS” – ông Ban Ki-moon nêu rõ.
Không thể phủ nhận thực tế rằng trên thế giới, AIDS vẫn đang được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chết người với hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được khi tất cả cộng đồng cùng đứng dậy và đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại dịch AIDS./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()