Cùng suy ngẫm:Củng cố niềm tin kinh doanh
Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ này, một loạt doanh nghiệp (DN) bước vào sản xuất với khí thế lao động hăng say, kỳ vọng một năm mới bớt khó khăn hơn. Tháng đầu năm 2014, đã có 2.400 DN quay trở lại hoạt động, chưa kể khoảng 6.900 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% về số DN và tăng 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 42,5% số DN được hỏi quyết định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm 2014. Một sự lạc quan về triển vọng kinh tế đã hiện hữu.
Sự lạc quan này bắt nguồn từ những dấu hiệu chuyển biến tích cực của nền kinh tế khi tăng trưởng kinh tế (GDP) năm vừa qua, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại. Tỷ giá ổn định, lãi suất ngân hàng liên tục giảm và hiện ở mức thấp… ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được thiết lập, là cơ sở quan trọng để bước đầu tạo lập niềm tin kinh doanh trong cộng đồng DN. Việc Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế khu vực ASEAN 6 (RCEP), Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – EU… đem đến cho DN hy vọng cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh cùng những cơ hội mở rộng đầu tư, gia tăng xuất khẩu…
Tuy nhiên, đằng sau sự lạc quan vẫn ẩn chứa những lo lắng, trăn trở bởi DN cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sức mua vẫn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện. Tết Nguyên đán được coi là mùa làm ăn lớn nhất trong năm nhưng năm nay sức mua thấp hơn hẳn so với dịp Tết Quý Tỵ 2013. Sức mua kém đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm tiếp tục khó khăn. Một khi đầu ra không được giải quyết thì lãi suất ngân hàng, cho dù đã trở về mức thấp của những năm trước khi suy thoái kinh tế, cũng không còn nhiều ý nghĩa. DN vẫn không dám mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chưa kể những khoản nợ xấu khó xử lý một sớm, một chiều cũng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN. Năm qua kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định nhưng rủi ro lạm phát cao vẫn luôn rình rập, nhất là trong bối cảnh năm 2014 bội chi ngân sách cao hơn, phát hành trái phiếu Chính phủ nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của nền kinh tế vẫn diễn ra khá chậm chạp trong năm qua, làm nản lòng nhiều DN…
Nhanh chóng củng cố niềm tin kinh doanh cho DN là yêu cầu cấp bách. Niềm tin ấy chỉ có được bằng những cam kết, hành động cụ thể; chỉ vững chắc nếu kiên trì, nhất quán chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, quyết liệt cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ và thực chất. Không chỉ vậy, niềm tin ấy đòi hỏi tiếp tục củng cố, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó quan trọng nhất là các cơ chế, chính sách phải ổn định, minh bạch trong thời gian dài để các DN, nhà đầu tư yên tâm làm ăn và có cơ sở để xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh dài hạn.
Lòng tin sẽ tạo ra năng lượng tinh thần. Sẽ chuyển hóa thành sức mạnh vật chất của doanh nghiệp, lớn hơn là uy tín sức mạnh kinh tế quốc gia.
Theo nhandan
Ý kiến ()