Cùng nông nghiệp hành động vì khí hậu
“Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp” vì khí hậu (AIM for Climate hay AIM4C) là sáng kiến do Mỹ và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) phát động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua. Việt Nam cùng 32 quốc gia khác đã trở thành những đối tác chính phủ đầu tiên của AIM4C ngay tại COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu ngày càng “nóng lên”, sáng kiến AIM4C hướng đến mục tiêu huy động vốn đầu tư giúp ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ hệ thống nông nghiệp toàn cầu. Với cam kết ban đầu đạt hơn 4 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2025 từ 33 chính phủ và hơn 40 tổ chức phi chính phủ, AIM4C kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển đổi mới trong nông nghiệp và hệ thống cung ứng thực phẩm, đóng góp vào nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu tại COP26, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack nhận định, khủng hoảng khí hậu đe dọa phá vỡ hệ thống lương thực toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Sáng kiến AIM4C vì vậy được đưa ra nhằm thúc đẩy hành động vì khí hậu và biến nông nghiệp trở thành một phần của giải pháp để giải quyết khủng hoảng khí hậu, xây dựng khả năng chống chịu trước các tác động của tình trạng thời tiết cực đoan và tạo ra các lợi ích khi hành động vì khí hậu.
AIM4C tập trung vào việc tăng cường đầu tư và đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác công – tư và hợp tác liên ngành, làm nền tảng cho hành động ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp ở tất cả các quốc gia. Các đối tác của AIM4C sẽ phân bổ nguồn vốn cam kết với mục tiêu thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu vào “nông nghiệp hài hòa với khí hậu” và đổi mới hệ thống cung ứng thực phẩm. “Nông nghiệp hài hòa với khí hậu” là cách tiếp cận giúp chuyển đổi và định hướng lại hệ thống nông nghiệp nhằm giải quyết ba mục tiêu chính, gồm tăng năng suất và thu nhập từ nông nghiệp một cách bền vững; thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; và đồng thời giảm, loại bỏ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Để đạt được những mục tiêu trên, sáng kiến AIM4C hướng đến thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực: tìm đột phá khoa học cho nông nghiệp bằng nghiên cứu cơ bản, ở cấp quốc gia và các cơ sở nghiên cứu khoa học; nghiên cứu ứng dụng thông qua hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu quốc tế, các tổ chức và mạng lưới phòng thí nghiệm trên thế giới; phát triển, quảng bá và triển khai các sản phẩm, dịch vụ và kiến thức thực tế, thông qua các hệ thống liên kết cấp quốc gia.
Đoàn kết quốc tế là cách để thế giới cùng chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tại COP26, các nhà lãnh đạo toàn cầu cùng nhau đưa ra một loạt cam kết hành động như ngăn chặn nạn phá rừng, giảm phát thải khí mê-tan, đưa mức phát thải ròng về 0, xây dựng liên minh tài chính… Cùng với đó, sáng kiến AIM4C là một nỗ lực hành động vì khí hậu đột phá và hứa hẹn giúp giải bài toán an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai.
Ý kiến ()