Cùng nhau xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn
Ngày Quốc tế Hợp tác xã (HTX) năm 2021 sẽ là ngày 3/7 (thứ Bảy đầu tiên của tháng 7), có chủ đề: “Cùng nhau xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Các HTX trên khắp thế giới sẽ giới thiệu cách họ đối mặt với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 bằng sự đoàn kết và khả năng phục hồi, đồng thời mang đến cho cộng đồng một sự phục hồi lấy người dân làm trung tâm và công bằng về môi trường.
Là tổ chức đại diện cho HTX, liên hiệp HTX và các thành viên tự nguyện, trong quá trình hoạt động, Liên minh HTX Việt Nam luôn khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam; trở thành thành viên của Liên minh HTX Quốc tế từ năm 1988 và đã khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác phát triển của Liên minh HTX Quốc tế, Liên minh HTX khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trải qua năm 2020 đầy biến động, năm 2021, cùng với các thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế tập thể, trọng tâm là các HTX cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của dịch Covid-19. Không riêng cộng đồng doanh nghiệp, các HTX chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, tổn thương sâu sắc hơn khi bản thân các HTX nguồn lực yếu, khả năng chống chịu kém. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận, biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 đã tác động tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, HTX, dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách và chính sách rất kịp thời; trong đó, các HTX và các thành viên HTX, người lao động là những đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, mới chỉ có một phần nhỏ số HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Chính sách về giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) có nhiều HTX thụ hưởng nhất cũng chỉ đạt 14% số HTX tham gia khảo sát. “Ngoài ra, khi ban hành chính sách, các cơ quan cần phân loại đối tượng vì riêng HTX nông nghiệp đã có nhiều loại hình hoạt động, ngoài ra còn có các HTX phi nông nghiệp. Mỗi HTX lại có những đặc thù riêng trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết để HTX có thể tiếp cận được”, đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cho biết thêm.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5. Theo Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam Phạm Công Bằng, Nghị định đã đáp ứng được mục tiêu, tinh thần phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của cung – cầu thực tiễn của hệ thống Quỹ và khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đây được coi là nền tảng để mở rộng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam có thể huy động được các nguồn vốn và mở rộng Quỹ lên 4.000 tỷ đồng vào năm 2025. “Nghị định 45 đi vào thực tiễn chính là công cụ để khu vực kinh tế tập thể, HTX, liên hiệp HTX thu hút thành viên. Khi Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đi vào hoạt động đúng theo quy định của pháp luật sẽ tạo điều kiện để các HTX thành viên phát triển cũng như tạo điều kiện để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá.
Thực hiện chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam về việc tạo mọi điều kiện cho các HTX vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Phạm Công Bằng cũng cho biết, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đã tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá tất cả các HTX đang có dư nợ. Trên cơ sở đó, Quỹ đã có công văn đề nghị các HTX nếu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có nhu cầu cần phải cơ cấu lại nợ thì gửi tới Quỹ để Quỹ xem xét. Thực tế đến nay, sau khi nhận được 40 đơn đề nghị cơ cấu lại nợ của 40 HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đã xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 38 HTX với số tiền điều chỉnh là 31 tỷ đồng.
Riêng hai đợt dịch xảy ra vào đầu năm 2021, Quỹ cũng đã cơ cấu lại nợ cho bảy HTX với số tiền là 25 tỷ đồng. Và đến thời điểm này, các HTX được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã phục hồi sản xuất, kinh doanh và cũng dần ổn định để tiếp tục phát triển. Sau khi hết thời kỳ cơ cấu nợ thì các HTX này cũng đã trả nợ đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi, không có một HTX nào có hiện tượng chậm trả. “Có thể nói, công tác hỗ trợ của Quỹ cũng đã phát huy rất tốt đối với các HTX bị ảnh hưởng. Qua đó, các HTX tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đã ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển”, ông Phạm Công Bằng nhấn mạnh.
Như vậy có thể thấy, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, cũng như nỗ lực từ chính bản thân mình, các HTX Việt Nam đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, vững vàng “bước qua” đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển. Việt Nam với số dân gần 100 triệu người, gần 25 triệu hộ cá thể, trong đó thành thị là tám triệu hộ và nông thôn gần 17 triệu hộ. Các con số nêu trên cho thấy đang có nhu cầu rất lớn trong liên kết và hợp tác theo mô hình tổ hợp tác, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống. Do có các cơ chế hỗ trợ tốt cho nên nhiều người dân cũng bày tỏ mong muốn được tham gia các tổ hợp tác, HTX để được liên kết tiêu thụ, sản xuất. “Kinh tế tập thể, HTX dần trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, liên kết chuỗi giá trị sẽ diễn ra mạnh mẽ. Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm phát triển HTX ở các nước trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho HTX phát triển theo quy hoạch là rất cần thiết”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
Ý kiến ()