Cùng nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới
Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế và khuyến khích phát triển, đồng thời phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo để đưa ra các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Công ty TNHH Vander Leun (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng) với 90% vốn của Hà Lan chuyên sản xuất và lắp ráp tủ bảng điện cho tàu thủy. (Ảnh ĐỨC KHÁNH) |
Mặc dù, thời gian qua có những khó khăn, thách thức nhưng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ vừa phối hợp Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện khảo sát trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể: Hơn 90% số doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao; phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% số doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023; có đến 76% số doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: Miễn, giảm thuế VAT; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất, nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…
Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo cho biết, kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN. Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Mỹ. Theo kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái, các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN; đồng thời kỳ vọng vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay rất cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) Kim Young Chul cũng cho rằng: Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và đang được rất quan tâm, chú ý. Năm nay Việt Nam được dự đoán sẽ dễ dàng đạt tăng trưởng kinh tế 7%. Trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Việt Nam vẫn được đánh giá cao do duy trì được vật giá, tỷ giá ngoại tệ ổn định. KorCham đánh giá cao những nỗ lực lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam. Ông Kim Young Chul kiến nghị, việc hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống cần phải được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao. Sự quan tâm tới hợp tác công nghệ cao đang ngày càng lớn và nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam.
Chủ tịch toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) John Rockhold đánh giá: AmCham rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Trước những khó khăn trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả phát triển kinh tế tốt. Năng lực của Việt Nam có thể giúp duy trì được các cán cân về đầu tư và các chỉ số. AmCham cũng hoan nghênh việc chuyển đổi số trong nền kinh tế và để Việt Nam hoàn toàn thực hiện hóa được tầm nhìn này, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện để tạo ra một khung chính sách và quy định bảo đảm rằng tất cả người dùng trong nước cũng như các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng cơ chế có lợi cho họ.
Sản xuất gọng kính xuất khẩu tại Công ty TNHH NEO Optical huyện Yên Dũng, Bắc Giang. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, hiện nay, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, theo đó, tập trung thu hút các dự án thuộc lĩnh vực: Công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến về chất trong thu hút đầu tư nước ngoài, mới đây, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong ngắn hạn, cần chủ động tăng cường tiếp cận, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Các địa phương cần đồng hành, vào cuộc cùng doanh nghiệp để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, rút ngắn các thủ tục hành chính. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Xác định một số lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút; thúc đẩy hợp tác liên kết các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, khu vực; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư.
Về lâu dài, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường nội lực của doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường; xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng miền; bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng điều hành, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ý kiến ()