Không đủ nguồn cho phụ tải
Chúng tôi đến Tây Nguyên đúng dịp cái nắng của mùa khô đang đến đỉnh điểm. Thời điểm này, dù đã quá quen với cơn khát như bao năm qua, nhưng nhiều người dân ở Tây Nguyên vẫn lao đao, vì hạn hán năm nay diễn ra quá khốc liệt. Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đác Lắc Lê Gia Dậu chia sẻ: Trong 433 hồ chứa công ty quản lý, chỉ còn 34 hồ đang ở mực nước dâng bình thường (MNDBT); hơn 100 hồ có mức nước dưới 50% và 39 hồ đập đã hoàn toàn cạn nước. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, chắc chắn số hồ cạn nước sẽ tăng nhanh hơn. Nhiều diện tích cây trồng, trong đó, gần 1.000 ha cà-phê của tỉnh Đác Lắc đã bị khô hạn. Dự kiến vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn ha cây trồng bị hạn, hơn 25 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ở miền trung, hạn hán và xâm nhập mặn cũng đến sớm hơn mọi năm. Tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam), chưa năm nào tình trạng nước mặn xâm nhập sông đến sớm và ảnh hưởng diện rộng như năm nay. Bình thường phải sau Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày mới có hiện tượng nước mặn tràn vào. Nhưng vừa qua, ngay từ giữa tháng Chạp, các sông trên địa bàn huyện đều xảy ra hiện tượng nhiễm mặn vào sâu vài km, với độ mặn lên đến 3,7/1.000, vượt xa sức chịu đựng của cây lúa. Dung tích trữ nước của các hồ thủy lợi từ Đà Nẵng đến Phú Yên cũng chỉ đạt 60-80% dung tích thiết kế, tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạt 30-50% dung tích thiết kế, một số HTĐ có dung tích trữ thấp hơn.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có sáu HTĐ, với tổng dung tích hữu ích 1,18 tỷ m3 (tương ứng điện năng sản xuất 519 triệu kW giờ), trong đó, các HTĐ có dung tích lớn, có khả năng điều tiết đáp ứng nhu cầu nước hạ du là A Vương, Đác Mi 4, Sông Tranh, Sông Bung 4. Tuy nhiên, đến ngày 1-1-2016, mực nước HTĐ A Vương chỉ đạt 361,6m (thiếu 18,4m so MNDBT), tương đương thiếu hụt sản lượng điện là 109 triệu kW giờ. Vì vậy, hiện nay cũng như thời gian tới, miền trung và miền nam không đủ nguồn cho phụ tải, thường xuyên phải nhận sự hỗ trợ công suất từ miền bắc, trong khi khả năng truyền tải của lưới liên kết bị giới hạn và tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi truyền tải cao. Đối với Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, do thời tiết khắc nghiệt, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Sê-rê-pốc 3 rất thấp. Vừa qua, công ty này đã được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh, để chủ động đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mùa khô năm 2016.
Nhận định trước tình hình khó khăn, ngay trong mùa lũ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tua-bin khí và kể cả nguồn chạy dầu, hạn chế huy động các NMTĐ, để tích nước, nhưng đến ngày 1-1-2016, nhiều hồ vẫn không thể tích lên MNDBT cũng như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của quy trình điều tiết liên hồ chứa, với tổng sản lượng thủy điện (của các hồ trên cả nước) thiếu hụt so với MNDBT lên đến 3,2 tỷ kW giờ. Trên lưu vực sông Sê San, có sáu NMTĐ với tổng công suất 1.611 MW, đáp ứng gần 12% nhu cầu phụ tải đỉnh của khu vực miền trung, miền nam (khoảng 13.822 MW). Tổng dung tích hữu ích của các HTĐ nói trên khoảng 2,02 tỷ m3 (tương ứng 1,72 tỷ kW giờ), tuy nhiên, trên lưu vực này chỉ có các HTĐ Plây Krông, Ya Ly (điều tiết năm) và Sê San 4 (điều tiết dưới tuần) là có khả năng điều tiết để đáp ứng nhu cầu nước hạ du.
“Chia lửa” với hạ du
Chung tay đối phó hạn hán với các địa phương, nhiều HTĐ trên địa bàn đã thực hiện nghiêm việc dừng hẳn sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng để tích nước, nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của hạ du và dự trữ để phục vụ xả nước vào thời gian cao điểm mùa nắng nóng trong ba tháng tới. HTĐ Sông Bung 4 đã thực hiện hạn chế xả nước phát điện để nâng mực nước lên cao trình MNDBT, nhằm trữ thêm khoảng 20 triệu m3, bổ sung lượng nước thiếu hụt trong mùa khô 2016. Hiện nay, NMTĐ Sông Bung 4 đã quyết định xả nước 10 ngày với hơn 32 triệu m3 nước về hạ du để đẩy mặn hạ du sông Vu Gia và TP Đà Nẵng. Từ đầu tháng 1 đến nay, nhà máy đã xả về hạ du sông Vu Gia khoảng 110 triệu m3 nước. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương Lê Đình Bản chia sẻ: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tạm thời tách NMTĐ A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 8-12-2015 để bảo đảm tích nước đến cuối mùa lũ và đầu mùa khô năm 2016. Trong tình trạng khô hạn và thiếu nguồn nước còn kéo dài như hiện nay, nhà máy sẽ tiếp tục dừng phát, tích nước, dự kiến ít nhất đến ngày 1-4 tới, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, Thủy điện A Vương sẽ nỗ lực vận hành bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội giữa NMTĐ và hạ du.
Với Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, ngay từ giữa tháng 9-2015, sau khi khảo sát tình hình hạ du của HTĐ Buôn Tua Srah, nhận thấy việc tích nước phục vụ mùa kiệt tiếp theo là vô cùng cấp bách, công ty đã chủ động đề xuất Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia giảm khai thác hồ chứa, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và phòng nông nghiệp các huyện hạ du biết, có kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Nhờ vậy, đến nay, HTĐ Buôn Tua Srah đã tích đủ nước bảo đảm khả năng cung cấp nước trong suốt mùa kiệt. Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Tấn Triết cho biết: Lưu lượng nước về HTĐ hiện nay đạt khoảng 20 m3/giây, đủ để xả với lưu lượng 50 m3/giây mỗi ngày trong vòng bốn tháng tới. Quá trình vận hành, công ty luôn thực hiện nghiêm các quy trình, quy định của Chính phủ, cũng như của chính quyền các cấp; tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương, nỗ lực hài hòa lợi ích giữa các bên. Đơn vị luôn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền địa phương thuộc hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông. Các bên liên quan thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để khai thác các hồ hiệu quả cao nhất. Hằng ngày, khi trên lưới điện quốc gia có những thay đổi ảnh hưởng chế độ vận hành của các nhà máy, làm lượng xả ra hạ du từ các hồ không đạt theo quy định, công ty cũng thông báo kịp thời đến các bên liên quan để sớm có kế hoạch tưới tiêu phù hợp. Do dung tích các HTĐ của công ty quản lý có hạn, nhưng điều tiết hồ chứa phải được khai thác tối ưu, bảo đảm hai nhiệm vụ trọng tâm phát điện và cung cấp nước cho hạ du vào các tháng mùa kiệt. Do đó, vào đầu tháng 12 hằng năm, công ty làm việc với các địa phương liên quan để xác định nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp trong các tháng mùa kiệt, sau đó, trình kế hoạch khai thác hồ chứa đến UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện/thành phố thuộc hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông, để theo dõi chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các trạm bơm thủy lợi chủ động trong việc bơm nước tưới tiêu, công ty đã chế tạo và lắp đặt hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ, để thông báo thời gian xả nước. Bên cạnh đó, công ty thiết lập số điện thoại nóng tại Phòng Điều khiển trung tâm NMTĐ Buôn Tua Srah để tiếp nhận liên tục 24 giờ mọi yêu cầu của nhân dân địa phương.
Trong điều kiện thời tiết còn khô hạn, rõ ràng, nguồn xả nước của các NMTĐ là hết sức kịp thời và cần thiết cho hạ du. Điều quan trọng là các địa phương phải có phương án cùng với bà con tận dụng tốt, không để lãng phí tài nguyên nước.
Ý kiến ()