Cung đường kim cương và hành trình trải nghiệm ở Fukushima
Ibaraki, sắc màu mùa thay lá
Từ sân bay Narita, thuộc tỉnh Chiba, đoàn phóng viên Việt Nam chúng tôi di chuyển hướng về tỉnh Ibaraki, chỉ cách Tokyo chưa đến 100 km. Haruko Takahashi, người bạn Nhật, cán bộ của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ibaraki chào đón chúng tôi bằng lời giới thiệu: “Ibaraki sở hữu thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, biến đổi theo mùa với sắc xanh của nemophila, hồng của anh đào, vàng đỏ của lá phong và trắng của tuyết. Và lần này là những điểm đến ngắm cảnh mùa thu nổi tiếng nhất tỉnh Ibaraki”.
Ngay tại điểm dừng chân đầu tiên ở tỉnh Ibaraki, là khu Tượng Phật Ushiku Daibutsu cao 120m, được Unesco công nhận là bức tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới (có thể so sánh với bức tượng nữ thần tự do ở Mỹ cao 93m). Chung quanh là những khu vườn rực sắc hoa và những vườn anh đào đón chờ xuân tới. Bên trong bụng tượng Phật chia làm năm tầng, đặt hàng nghìn bức tượng Phật kích thước khác nhau. Ngoài ra, tại vị trí cách mặt đất 85m còn có đài viễn vọng quan sát, có thể ngắm quang cảnh từ khu vực ngang tầm ngực tượng Phật. Nếu thời tiết tốt còn có thể nhìn thấy tháp Sky Tree và núi Phú Sĩ.
Từ khu vực tượng đến công viên ven biển Hitachi có tiếng về bốn mùa hoa cũng không xa. Trong công viên công cộng ở thành phố Hitachinaka này có diện tích khoảng 190 ha, chúng tôi đi bộ hoặc lên xe điện cổ men theo những đồi cây để ngắm hoa. Hoa ở đây được trồng xen kẽ nhiều loài hoa và chúng nở gối nhau suốt bốn mùa. Mạnh Cường, hướng dẫn viên của công ty du lịch Vietravel, từng học tập 6 năm ở Nhật bảo, từ tháng 6, những khu đất trồng hoa dành chỗ cho cây kochia. Nơi đây tràn ngập một màu xanh mát mắt của những bụi cây kochia mềm mịn, chúng lớn dần, bụi cây cứng hơn. Thời điểm này, cùng với sắc hoa cánh bướm Cosmos, những bụi cây kochia đang đồng loạt dần chuyển từ màu xanh mướt sang màu đỏ rực rỡ. Công viên nhuộm màu đỏ ối vào mùa thu. “Từ tháng 9 tới tháng 11 công viên Hitachi luôn có số lượng khách tham quan đông vì đây là điểm đến ngắm cảnh mùa thu nổi tiếng nhất tỉnh Ibaraki…”, HDV Mạnh Cường chia sẻ thêm.
Hành trình thưởng lãm hoa bốn mùa không thể bỏ qua công viên Kairakuen được xây dựng năm 1820 nằm ở thành phố Mito, thủ phủ của tỉnh Ibaraki. Không chỉ là công viên thành phố lớn thứ hai sau Công viên Trung tâm của New York, mà Kairakuen được xếp hạng là một trong ba khu vườn có phong cảnh đẹp nhất Nhật Bản. Mùa này, đỗ quyên đỏ thẫm, rừng phong lá đỏ sắc chào đón du khách ngay từ những bậc đá cổ, dọc theo những con đường sỏi rêu… để khám phá bên trong, nơi có hơn 3000 gốc mơ từ hơn 100 giống khác nhau, những cây hoa anh đào cổ thụ sẽ nở rộ vào mùa xuân; có vườn tre trúc, gỗ tuyết tùng xanh mướt vào mùa hè… Người Nhật coi nơi đây từng được xem như điểm du lịch phải đến tham quan ít nhất một lần trong đời.
Trải nghiệm ở Fukushima
Cái tên Fukushima được biết đến là tỉnh nằm trong vùng đông bắc Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng bởi thảm họa động đất, sóng thần cách đây hơn năm năm. Với diện tích rộng thứ ba nước Nhật, năm năm sau thảm họa kép, Fukushima đã có sự hồi sinh kỳ diệu khi cơ sở hạ tầng, đường sá hoàn toàn được phục hồi sau thiên tai…
Hành trình từ Ibaraki về Fukushima, dọc hai bên đường là bát ngát màu vàng của những cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch, rất nhiều những dòng suối nước chảy trong veo cùng những cây cầu gỗ bắc ngang qua… Fukushima yên bình như thế đó.
Điểm nào ở Fukushima mà chúng tôi đến đều được đón chào bằng những dòng chữ “Fukushima chào bạn”, “Chào mừng bạn đến với chúng tôi”… và những nụ cười hồn hậu của người dân địa phương này. Doanh nhân trẻ sinh năm 1988, mới làm chủ khách sạn Sansuiso ở thị trấn Tsuchiyu onsen vui mừng chia sẻ: “Hai năm nay, khách sạn đón ngày càng nhiều khách quốc tế, đặc biệt vui là đã có khách Việt Nam…”. Anh hy vọng, du lịch Fukushima sẽ hấp dẫn khách trở lại.
Điểm đến đầu tiên ở Fukushima mà hành trình đưa chúng tôi đến là Viện hải dương học Fukushima, nơi vừa là công viên giáo dục về thế giới loài vật và thực vật đại dương thú vị mà còn được coi là điển hình cho sự phục hồi nhanh ở tỉnh này. Được xây dựng năm 2000, là một trong 67 Viện Hải dương học ở Nhật Bản, vậy mà thảm họa động đất sóng thần lịch sử năm 2011 làm toàn bộ máy móc trong công trình hồ nước nhân tạo rộng hơn 20 nghìn m3 bị hỏng, kéo theo rất nhiều loài cá chết.
Giám đốc Viện hải dương học Fukushima Toshio Shiomi tự hào: “Biển Fukushima là điểm giao thao giữa hai dòng hải lưu nóng và lạnh, nên có sự phong phú của các loài cá. Chỉ bốn tháng sau thảm họa, các công trình ở đây được nhanh chóng khôi phục trở lại, trong đó có hồ nước nhân tạo với khối lượng nước đến 2050 tấn…”. Hồ chứa nước được ngăn bằng 2000 tấm kính dày 35 cm mỗi tấm, xây dựng theo dạng đường hầm hình tam giác đầu tiên trên thế giới.
Điểm đến mới trong hành trình khám phá Fukushima chính là công trình được xây dựng một năm sau thảm họa – nhà tưởng niệm bác sỹ Hideo, được coi là bảo tàng mang tính chất giáo dục không chỉ ở tỉnh Fukushima mà còn ở Nhật Bản.
Kitakata còn được biết đến là “Kura no Machi” (“thành phố” của những nhà kho) với hơn 4000 nhà kho được xây dựng từ thời Edo cho đến thời Showa, từ phố chính cho đến từng con hẻm và khu vực ngoại thành. Khu làng cổ Kitakata tập hợp bởi những ngôi làng nhỏ với lịch sử vài trăm năm nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống sản xuất rượu sake, canh miso, mỳ ramen sợi…
Để sản xuất ra những thứ này mà người Nhật đã xây rất nhiều nhà kho. Nhà kho như là biểu tượng của sự giàu có, đến mức những người đàn ông trong thành phố lan truyền rằng: “Đến 40 tuổi mà không thể xây được nhà kho thì đó là nỗi xấu hổ của đàn ông”. Nhà kho ở đây được làm từ những vật liệu khác nhau, tường có bề mặt thô ráp, vữa đen, gạch và tỉ mỉ đến từng chi tiết trên cánh cửa. Hiện tại, hơn nửa số nhà kho ở Kitakata được dùng để làm nơi ở, kho chứa, cửa hàng, nơi làm việc… nhưng thiết kế truyền thống vẫn còn được bảo tồn.
Tới tham quan khu nhà kho giờ là bảo tàng “Yamatogawa sakagura Kitakata climate museum”, nơi vẫn tiếp tục nấu ra loại rượu nổi tiếng “Yauemon shu” suốt từ khi thành lập năm 1790 cho đến nay… Người quản ý bảo tàng, anh Oatanabe, đời thứ 9 của gia đình giới thiệu, bảo tàng trưng bày những hiện vật và làm nơi sản xuất các loại rượu sake. Trời phú cho nguồn nước từ những ngọn núi cao trên 2000 m lọc qua các lớp trầm tích trở nên trong vắt, tinh khiết về tới làng, một yếu tố quan trọng để tạo ra rượu sake ngon.
Đến nơi này mà chưa dạo bộ quanh hồ hoặc du thuyền trên hồ ngũ sắc Goshikinuma thì thật tiếc bởi hồ được hình thành bởi những trận phun trào núi lửa từ xa xưa. Nước ở đây có màu sắc trong xanh đặc trưng hoặc thay đổi màu sắc tùy theo điều kiện ánh sáng thời tiết trong ngày.
Theo cung đường Azuma Bandai skyline, được coi là một trong những cung đường đẹp nhất vào mùa thu ở Nhật, chúng tôi dừng lại và leo lên tới độ cao 1707m tham quan miệng núi lửa cũ Azuma Ko-fuji Bandai, rồi tiếp tục di chuyển tới vườn trái cây Azuma, được tận tay hái và thưởng thức tại chỗ những trái lê, nho, táo chín mọng, thơm lựng…
“Fukushima vốn là vùng duyên hải có truyền thống đánh bắt cá và công nghiệp biển, thế nhưng ở những vùng cao, nông nghiệp công nghệ cao khá phát triển và đang chính là điểm nhấn cho ngành du lịch thu hút khách đến với Fukushima những năm gần đây”, …”, chị Vũ Minh Châu, công ty VJSC (đại diện của tỉnh Fukushima tại Việt Nam) đi cùng đoàn giới thiệu.
Hành trình kết nối thiên nhiên và văn hóa
Hành trình mới này sẽ mang tới cho du khách cơ hội đến với đền thờ Nikko Toshougu, Di sản văn hóa thế giới của Nhật Bản nằm ở thành phố Nikko, tỉnh Tochigi. Ngôi đền có tiếng chạm khắc tinh xảo nằm trong một khu rừng già. Nikko Toshogu là điểm đến ngắm lá vàng, lá đỏ đặc trưng cho mùa thu Nhật Bản. Từ Di sản này, chạy ô tô mất khoảng nửa tiếng là tới Edo wonderland (Làng Edo thần kỳ). Đây là khu vui chơi giải trí có quy mô lớn, với diện tích 45 nghìn m2, nằm trong thung lũng đẹp. Với các nhà hát nghệ thuật truyền thống, khu dân cư, điều hấp dẫn khi chứng kiến các màn trình diễn hành động Ninja đầy ngoạn mục, khi du khách trực tiếp tham gia những trải nghiệm lịch sử và văn hóa thời đại Edo, Nhật Bản.
Các điểm đến mới trong hành trình kết nối Ibaraki – Fukushima – Nikko – Tokyo không quá xa nhau, lại gần Thủ đô, điều này lý giải tại sao khi Vietravel mở tour du lịch mới đến Fukushima lại nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng cũng như doanh nghiệp trong ngành du lịch. Ngoài ra, Vietravel cũng chủ động làm việc với các khu vực như Kansai, Aichi, Gifu, Ibaraki, Fukushima tại Nhật Bản để trao đổi hợp tác song phương, cùng những chuyến khảo sát, chọn lọc, giới thiệu những điểm đến đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử tới du khách Việt Nam.
“So với cung đường vàng truyền thống quen thuộc (Tokyo – Osaka – Kyoto), cung đường kim cương với hành trình Ibaraki – Fukushima – Nikko – Tokyo kết nối bốn tỉnh của khu vực đảo Honshu, đưa du khách Việt Nam đến gần hơn với thiên nhiên, văn hóa Nhật Bản”, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết.
Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, 6 tháng đầu năm nay số lượng khách Việt Nam sang thăm Nhật Bản đã tăng 30% và ở chiều ngược lại, theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, du khách Nhật Bản thăm Việt Nam đạt hơn 350.000 lượt, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái.
Hành trình mới Ibaraki – Fukushima – Nikko – Tokyo không chỉ cho du khách chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên rực rỡ mùa cây thay lá, mà còn mang đến cơ hội để thấy một Fukushima hồi sinh và phát triển. Trong một đất nước Nhật Bản ấn tượng, thân thiện như chúng ta thường được biết, còn một Fukushima đang dần trở nên quen thuộc với du khách Việt Nam…
Ý kiến ()