Cùng doanh nghiệp vượt khó
LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp tại Lạng Sơn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động không lớn, số vốn lưu động còn rất khiêm tốn.
Hiện toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp nhưng tổng số vốn đăng ký chỉ trên 10 nghìn tỷ đồng. Dù sản xuất mang tính nhỏ lẻ nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã tạo trên 35 nghìn công ăn việc làm cho người lao động. Điều đó đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo sản phẩm cho xã hội. Bước vào giai đoạn hậu suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gánh thêm khó khăn, khó phục hồi sản xuất, điều đó đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thậm chí phá sản. Nguyên nhân do các doanh nghiệp có số vốn thấp, sức “đề kháng” với mặt trái kinh tế thị trường còn hạn chế. Để vực dậy doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp trụ vững trong khủng hoảng, toàn tỉnh đã dốc sức cùng doanh nghiệp vượt khó.
Trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014, toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay đã có gần 1.000 doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn về tín dụng, có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay các doanh nghiệp đã đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 51% dư nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng cường hạ lãi suất, tăng cường giản tiện về thủ tục để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, đồng thời giảm lãi suất cho vay, một số dự án lớn như Nhà máy Xi măng Đồng Bành có dư nợ trên 400 tỷ đồng đã được giảm lãi suất xuống 0,5%/ năm. Dự án thủy điện Thác Xăng dư nợ gần 200 tỷ đồng được giảm lãi suất 1%/ năm. Nhiều doanh nghiệp như Công ty Nhị Hà, Công ty Cổ phần lâm sản Thịnh Lộc, Công ty Toàn Phát…đều được thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn vươn lên trong sản xuất. Ông Vũ Phong Quyết, Công ty TNHH Quyết Thắng tâm sự: “Khi được tiếp cận nguồn vốn, công ty đã mạnh dạn đầu tư và mang lại hiệu quả rất cao, tạo thêm công ăn việc làm và tăng nộp ngân sách nhà nước”.
Cùng với mở rộng điều kiện tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay, tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp một cách nhanh nhất, giản tiện thủ tục cho các doanh nghiệp đủ điều kiện giãn giảm thuế. Cho đến nay đã có trên 800 lượt doanh nghiệp đủ điều kiện giãn giảm thuế với tổng số tiền giãn giảm trên 20 tỷ đồng. Gần 500 lượt doanh nghiệp được gia hạn thuế với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng. Tổng số gia hạn, giãn giảm, giảm tiền thuê đất đạt trên 50 tỷ đồng. Con số giãn giảm còn khiêm tốn nhưng đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tái sản xuất mở rộng vượt qua khủng hoảng. Ông Hứa Thanh Hà, Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn khẳng định: hỗ trợ doanh nghiệp, ngành thuế đã thực sự là người bạn đồng hành, cùng doanh nghiệp làm nghĩa vụ thuế. Trong đó ngành thuế đã hết mình, vì sự phát triển doanh nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Long hoàn thiện sản phẩm máy bơm |
Hiện Lạng Sơn có trên 2.000 doanh nghiệp trong cả nước xuất nhập khẩu qua địa bàn. Để hỗ trợ, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm đến mức thấp nhất thủ tục hành chính, tiết kiệm tối đa thời gian cho doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như điều chỉnh mức thu giảm 0,3 lần cho các xe chở hàng không đi vào nội địa, giảm mức phí đối với các mặt hàng nông sản, quy định các cửa khẩu phụ xuất hàng. Trong điều kiện ngân sách đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào biên giới, cửa khẩu. Từ đó đã tạo ra hàng trăm ha diện tích bến bãi sang tải, tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động biên giới có việc làm.
Qua hỗ trợ doanh nghiệp bằng những hình thức thiết thực, cộng đồng doanh nghiệp tại Lạng Sơn ngày càng có bước phát triển. Riêng từ đầu năm đến nay đã thành lập mới trên 100 doanh nghiệp, tăng 35,7%, các doanh nghiệp ngày càng phục hồi phát triển. Điều đó minh chứng Lạng Sơn đã tiến những bước dài cùng doanh nghiệp vượt khó.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()