Cùng doanh nghiệp vượt khó
Nhờ chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, sản phẩm đồ da của Công ty TNHH Đông Phương (Vũng Tàu) vẫn được tiêu thụ mạnh. Sức mua đang sụt giảm, hàng hóa tồn kho, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế và rất nhiều những khó khăn đang thử thách các doanh nghiệp. Hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, các sở, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang dồn sức, chung tay giúp doanh nghiệp vượt khó.Bộn bề khó khănLà doanh nghiệp sản xuất thép đứng trong tốp đầu cả nước, Công ty cổ phần thép Thép Việt, sở hữu thương hiệu Pomina, đang đau đầu với lượng hàng tồn kho ngày một lớn. Giám đốc công ty Đỗ Xuân Chiểu cho biết, do thị trường bất động sản đóng băng, vốn đầu tư xây dựng giảm, nên các doanh nghiệp thép nói riêng và doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung, rất vất vả. Hiện Thép Việt phải điều tiết lại hoạt động sản xuất, mở rộng các kênh tiêu thụ, tìm kiếm thị trường mới. Nhưng những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của doanh nghiệp khó...
Nhờ chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, sản phẩm đồ da của Công ty TNHH Đông Phương (Vũng Tàu) vẫn được tiêu thụ mạnh. |
Bộn bề khó khăn
Là doanh nghiệp sản xuất thép đứng trong tốp đầu cả nước, Công ty cổ phần thép Thép Việt, sở hữu thương hiệu Pomina, đang đau đầu với lượng hàng tồn kho ngày một lớn. Giám đốc công ty Đỗ Xuân Chiểu cho biết, do thị trường bất động sản đóng băng, vốn đầu tư xây dựng giảm, nên các doanh nghiệp thép nói riêng và doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung, rất vất vả. Hiện Thép Việt phải điều tiết lại hoạt động sản xuất, mở rộng các kênh tiêu thụ, tìm kiếm thị trường mới. Nhưng những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của doanh nghiệp khó có thể một sớm một chiều giải quyết được.
Đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) than thở: Với uy tín và chất lượng sản phẩm, thương hiệu Baseafood đã và đang có mặt ở hầu hết các thị trường thủy sản trọng điểm trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Nga… Tuy nhiên, trước những khó khăn của kinh tế thế giới, việc mở rộng thị trường, nâng kim ngạch xuất khẩu của Baseafood nhiều khả năng không thể hoàn thành như mục tiêu đã đề ra. Tổng Giám đốc Baseafood Trần Văn Dũng cho rằng, hiện lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay dẫn tới hoạt động sản xuất đình trệ. Trong khi sức mua thị trường giảm, suất đầu tư của doanh nghiệp tăng cao, việc đóng cửa nhà máy hay sản xuất cầm chừng là hệ quả tất yếu.
Theo Sở Công thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn là đầu ra sản phẩm tiếp tục bị thu hẹp. Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương giảm mạnh, cụ thể: sản phẩm cơ khí giảm hơn 31%, cao-su giảm gần 22%, thép các loại giảm gần 21%… Các mặt hàng này giảm đã kéo kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh giảm theo. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Phước Lễ, trong khi số lượng các doanh nghiệp thành lập mới không tăng so với cùng kỳ, thì số các doanh nghiệp ngừng hoạt động lại tăng đáng kể. Tính đến đầu tháng 11-2012, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký là 630 doanh nghiệp. Trong đó có 66 doanh nghiệp giải thể, 90 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, 273 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, và 201 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể. Nguyên nhân chính vẫn là do kinh doanh không hiệu quả, hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng… Còn theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động. Hiện tại, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ phải giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động.
Chung tay vượt khó
Nhận thức và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành chức năng địa phương đang tập trung phối hợp, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Minh Sanh khẳng định, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng và quyết định để các cấp chính quyền “chia lửa” cùng doanh nghiệp. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, lắng nghe để từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời. Hàng trăm ý kiến phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp được tổng hợp, phân tích. UBND tỉnh chỉ định Sở Công thương làm đầu mối chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tổng hợp những vướng mắc để đề xuất UBND tỉnh giải quyết. Lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn cũng trực tiếp tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về lĩnh vực mình phụ trách. Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thành Long cho biết: Thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Cục Thuế tỉnh đã triển khai phổ biến nội dung các khoản miễn, giảm và gia hạn thuế đến các doanh nghiệp. Dự kiến các khoản miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách năm 2012 trên địa bàn tỉnh hơn 1.084 tỷ đồng. Đến tháng 10-2012, số thuế gia hạn, giảm, miễn cho các doanh nghiệp đã thực hiện hơn 600 tỷ đồng. Cũng theo ông Long, tại các cuộc đối thoại giữa Cục Thuế và doanh nghiệp, ngoài những ý kiến đánh giá cao hoạt động của ngành thuế địa phương còn có không ít ý kiến chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc triển khai các chính sách thuế hiện hành. Đây là cơ sở để lãnh đạo cục tiếp tục chấn chỉnh nội bộ, đồng thời kiến nghị cấp trên bổ sung, sửa đổi một số chính sách chưa thật sự phát huy hiệu quả. Cục trưởng Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Văn Danh cũng cho biết: Sau đối thoại, ngành hải quan tỉnh nắm bắt yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để ngành tiếp tục điều chỉnh hoạt động, thực hiện thành công mục tiêu: chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần giảm phiền hà cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thật sự đi vào cuộc sống. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (UDEC) Trịnh Hàng cho rằng: Việc “chia lửa” với cộng đồng doanh nghiệp của chính quyền địa phương là hết sức cần thiết, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, song rất nhiều mong mỏi từ phía doanh nghiệp vẫn chưa được đáp ứng. Những khó khăn về tài chính, chi phí sản xuất, kinh doanh cao, tiếp cận vốn ngân hàng… vẫn là bài toán nan giải. Ông Hàng cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhưng thực tế đến nay phần lớn các doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao 17-18%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất sơn Đông – Nam Á cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang “nợ đồng lần”, doanh nghiệp này khó khăn sẽ làm mất khả năng thanh toán đầu vào của doanh nghiệp khác và như vậy, không thể có tiền để trả nợ ngân hàng. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp là rất khó. Đại diện một doanh nghiệp còn khẳng định: “Hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ nên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có nhiều tác dụng. Gói hỗ trợ này chủ yếu tác động vào đầu ra của các doanh nghiệp, nó chỉ hình thành và hiện hữu khi các doanh nghiệp còn hoạt động kinh doanh và có lãi. Trong khi đó, thực chất đa số doanh nghiệp đang phải vật lộn, đối mặt với khó khăn đầu vào như chi phí vốn cao, chi phí hàng tồn kho lớn, chi phí giá thành nguyên vật liệu cao… Cho nên, doanh nghiệp đang rất cần những chính sách thực tế, hiệu quả hơn, đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền các cấp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()