Củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thụy Điển
Năm 2014, hai nước Việt Nam và Thụy Điển kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969 – 2014). Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Tích, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu II (Bộ Ngoại giao), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển.
Phóng viên (PV): Việt Nam và Thụy Điển chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/01/1969. Trong 45 năm qua, mối quan hệ này đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong những năm gần đây ?
Ông Đinh Tích, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị |
Ông Đinh Tích: Việt Nam và Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/01/1969, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra rất ác liệt trên cả ba mặt trận: Chính trị, quân sự và ngoại giao, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Thụy Điển phát triển rầm rộ. Việc Chính phủ Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (11/01/1969), thành lập Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội và trao đổi Đại sứ là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của nhân dân ta. Cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, Chính phủ Thụy Điển đã đưa ra kế hoạch tái thiết Việt Nam sau chiến tranh.
Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1973, đặc biệt là sau khi Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất năm 1975, nhân dân và Chính phủ Thụy Điển tăng cường ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam cả về tinh thần và vật chất. Chính phủ Thụy Điển đã dành ưu tiên trong việc viện trợ cho Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Thụy Điển trong 45 năm qua. Tổng số viện trợ trực tiếp không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển đạt trên 3 tỷ USD.
Hàng trăm dự án của Thụy Điển được triển khai trên khắp cả nước, từ công nghiệp đến nông nghiệp, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa… Các dự án lớn của Thụy Điển như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Hà Nội (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương), Bệnh viện Đa khoa Uông Bí có tổng số vốn trên 700 triệu USD.
Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, nhân dân và Chính phủ Thụy Điển đã tích cực giúp đỡ và đồng hành cùng chúng ta. Sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, vô tư và có hiệu quả của nhân dân và Chính phủ Thụy Điển đã góp phần không nhỏ giúp nước ta vượt qua khó khăn và giành được những thành tựu đáng khích lệ về kinh tế, chính trị, đối ngoại và hội nhập như ngày hôm nay.
Trong thời gian gần đây, quan hệ hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển trong điều kiện mới. Hai nước tiếp tục trao đổi nhiều đoàn cấp cao và nhiều đoàn của các bộ, ngành… Những lĩnh vực hợp tác truyền thống tiếp tục được thúc đẩy như: Y tế, giáo dục, khoa học – kỹ thuật, môi trường… Quan hệ thương mại và đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 1 tỷ USD. Tuy vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế còn rất lớn. Tôi tin chắc rằng, quan hệ hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
PV: Thụy Điển luôn là một trong những nước đi đầu ủng hộ ta về tinh thần và vật chất trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ông có thể chia sẻ những tình cảm, sự ủng hộ của Thụy Điển đối với Việt Nam trong suốt 45 năm qua?
Ông Đinh Tích: Một điều tôi tâm đắc nhất trong quan hệ hợp tác với Thụy Điển là tính nhân văn, trung thực, dũng cảm và hào hiệp trong sự ủng hộ, viện trợ của Thụy Điển dành cho Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Thụy Điển là nước đi đầu trong ủng hộ Việt Nam về tinh thần và vật chất mà không kèm theo điều kiện nào. Trong những thời điểm khó khăn nhất sau ngày đất nước thống nhất, Thụy Điển vẫn tiếp tục dành viện trợ lớn cho Việt Nam, tiếp tục các dự án lớn, không ngưng viện trợ, không rút chuyên gia. Dân Việt Nam ra đường gặp chuyên gia Thụy Điển nhầm là “chuyên gia Liên Xô”. Thụy Điển trở thành một trong những nước viện trợ lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài viện trợ trực tiếp cho Việt Nam, Thụy Điển cũng viện trợ cho Việt Nam thông qua các kênh đa phương. Khoản viện trợ này cũng lên tới hàng trăm triệu USD.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, vô tư và có hiệu quả của Thụy Điển dành cho Việt Nam, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất. Chúng ta sẽ làm hết sức mình để mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.
PV: Với vai trò là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Thụy Điển, Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Vậy ông có thể chia sẻ một số thông tin về các hoạt động của Hội trong thời gian gần đây?
Ông Đinh Tích: Trong mấy chục năm qua, Hội hữu nghi Việt Nam – Thụy Điển đã góp phần rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghi và hợp tác giữa hai nước. Đối tác của Hội là Ủy ban Thụy Điển đoàn kết với Việt Nam, Lào và Campuchia hiện do ông Johan Peanberg làm Chủ tịch, quy tụ đông đảo các tầng lớp tham gia. Trước đây, Chủ tịch của Hội là những chính khách lớn của Thụy Điển như: Bà Anita Gradin, bà Birgita Dahl…
Cùng với các cơ quan đoàn thể khác của nước ta, Hội hữu nghi Việt Nam – Thụy Điển đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, giao lưu bạn bè giữa hai nước nhân các ngày kỷ niệm lớn, tiến hành trao đổi đoàn; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để làm cho nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, làm cho bạn hiểu hơn về tình hình Việt Nam trong bối cảnh mới, vừa có nhiều thuận lợi nhưng vẫn nhiều khó khăn của một nước đang phát triển.
Dù điều kiện tài chính có nhiều khó khăn, nhưng Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển đã và đang tích cực đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam – Thụy Điển. Ở những địa phương có dự án lớn, như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viên Đa khoa Uông Bí đều có các chi hội hoạt động và sắp tới sẽ mở rộng mạng lưới chi hội ra một số địa phương khác. Chính vì thế mà uy tín và tiếng nói của Hội ngày càng được đề cao ở trong nước và ở Thụy Điển.
PV: Năm 2014 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và Thụy Điển, là năm hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/1/1969 – 11/1/2014). Ông có thể cho biết những chương trình, kế hoạch của Hội nhân kỷ niệm sự kiện quan trọng này ?
Ông Đinh Tích: Năm 2014 là năm kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1969 – 2014), đánh dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Chính phủ hai nước, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Điển và Đại sứ quán Thụy Điển ở Việt Nam sẽ có sự phối hợp với nhau để có những hoạt động phong phú và thiết thực.
Đối với Hội hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển, chúng tôi đã chủ động lên kế hoạch từ năm 2013, tích cực phối hợp với các cơ quan của Nhà nước ta và Thụy Điển để có những hoạt động thiết thực trong cả năm 2014. Ngoài ra, Hội sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Thụy Điển.
Tôi tin chắc rằng, năm 2014 sẽ là năm đầy ắp những hoạt động kỷ niệm và sẽ là một “cú hích mới” trong quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác, nhất là về kinh tế – thương mại phát triển thuận lợi và bền vững lâu dài.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo CPV
Ý kiến ()