Củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Sức mạnh chiến thắng của hai Ðảng, hai dân tộc Nước CHDCND Lào trên đường hội nhập và phát triển
Thủ đô Viêng Chăn tươi đẹp và thanh bình. - Cách đây nửa thế kỷ, ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một giai đoạn mới, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số nội dung của mối quan hệ mẫu mực, trong sáng, thủy chung giữa hai Đảng, hai nước trong chặng đường cách mạng vẻ vang của cả hai nước.Ngày 2-12-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào, nhân dân Lào đã lật đổ chế độ Quân chủ lập hiến, lập nên nước CHDCND Lào. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng NDCM Lào, nhân dân Lào đã phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn,...
Thủ đô Viêng Chăn tươi đẹp và thanh bình. |
Ngày 2-12-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào, nhân dân Lào đã lật đổ chế độ Quân chủ lập hiến, lập nên nước CHDCND Lào. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng NDCM Lào, nhân dân Lào đã phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Thực hiện chính sách đổi mới do Đảng NDCM Lào khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, đất nước và nhân dân Lào đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia được giữ vững, tình hình chính trị – xã hội ổn định, an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được củng cố, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; uy tín và vị thế của nước CHDCND Lào không ngừng được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Năm 2011, nước Lào đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như Đại hội Đảng lần thứ IX (tháng 3), bầu cử QH khóa VII (tháng 4), Kỳ họp thứ nhất QH Lào khóa VII (tháng 6); thông qua cơ cấu bộ máy tổ chức của Quốc hội, Chính phủ và bầu các chức danh chủ chốt…
Các mục tiêu kinh tế – xã hội do các kỳ đại hội và các chương trình kế hoạch năm năm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đảng NDCM Lào kiên định, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Trong năm năm qua, nước Lào duy trì được mức tăng trưởng GDP bình quân hơn 7%/năm. Trong năm tài chính 2010-2011: nền kinh tế đạt kết quả khả quan, GDP tăng khoảng 8,1%; xuất khẩu đạt 1,856 tỷ USD, nhập khẩu 2,323 tỷ USD; tỷ lệ lạm phát trung bình 7,4%, tỷ giá hối đoái ổn định ở mức 8.005 kíp ăn một USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,275 tỷ USD; số hộ gia đình nghèo giảm còn 18,96% so 20,4% của năm tài chính 2009-2010.
Về đối ngoại, CHDCND Lào chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác và mở rộng quan hệ đa dạng hóa – đa phương hóa, nhiều hình thức, nhiều cấp với các nước, các vùng lãnh thổ; nhấn mạnh tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác các nước XHCN, trong đó tiếp tục coi trọng củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam, phát huy quan hệ truyền thống với Trung Quốc trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và lâu dài; thắt chặt quan hệ hợp tác các nước láng giềng có chung biên giới, tích cực tham gia hoạt động của ASEAN; coi trọng quan hệ các nước lớn, tranh thủ tài trợ, thu hút đầu tư; chủ động, tích cực gia nhập các tổ chức quốc tế và tham gia các hoạt động quốc tế… Việc tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn trong thời gian qua đã khẳng định uy tín và vị thế của nước Lào ở khu vực và trên trường quốc tế. CHDCND Lào đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 9, Hội nghị đối tác nghị viện Á – Âu (ASEP) lần thứ 7 vào cuối năm nay; phấn đấu sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Nhân dân Lào đang ra sức phấn đấu thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng lần thứ IX của Đảng NDCM Lào đề ra và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm lần thứ VII, theo đó phấn đấu bảo đảm ổn định an ninh, tăng trưởng kinh tế từ 7,5% – 8%/năm, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu Thiên nhiên kỷ về phát triển của LHQ vào năm 2015, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020, tăng thu nhập bình quân đầu người lên 1.700 – 1.800 USD/người/năm, tạo nền tảng cho công cuộc CNH, HĐH đất nước, nhằm xây dựng thành công đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh, vững bước đi lên CNXH.
Nước CHDCND Lào nằm ở khu vực Đông-Nam Á, có diện tích 236.800 km2, nằm sâu trong lục địa, không có đường thông ra biển và chủ yếu là đồi núi; có Thủ đô Viêng Chăn là thành phố duy nhất và 16 tỉnh; dân số hơn 6,3 triệu người, với hơn 49 dân tộc được chia thành bốn nhóm ngôn ngữ, trong đó tiếng Lào là ngôn ngữ chính; đạo Phật chiếm 85% dân số; 85% dân số sống bằng nông nghiệp. Nước Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản và thủy điện. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.220 USD/người.
CHDCND Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với 130 nước và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()