Củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp ở Ðồng Nai
Xã viên HTX Suối Lớn học quy trình thực hiện VietGAP Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 73 HTX nông nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 243 tỷ đồng, thu hút hơn hai nghìn xã viên. Tuy nhiên, theo phân loại chỉ có 17 HTX hoạt động khá, chiếm tỷ lệ 23%, không có HTX làm ăn giỏi, còn lại là HTX hoạt động từ trung bình đến yếu kém.HTX đông nhưng chưa mạnhCó nhiều nguyên dẫn đến các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém đã được các nhà chuyên môn phân tích, song từ thực tiễn ở Đồng Nai, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm chưa thích nghi được cơ chế thị trường đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, dẫn đến phần lớn các HTX làm ăn yếu kém ở Đồng Nai không xây dựng được các phương án kinh doanh phù hợp, khả thi khiến hoạt động của HTX ì ạch và thua lỗ là điều tất yếu sẽ xảy ra. Đặc biệt, đối với các HTX nông nghiệp, vấn đề lớn đặt...
|
HTX đông nhưng chưa mạnh
Có nhiều nguyên dẫn đến các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém đã được các nhà chuyên môn phân tích, song từ thực tiễn ở Đồng Nai, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm chưa thích nghi được cơ chế thị trường đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, dẫn đến phần lớn các HTX làm ăn yếu kém ở Đồng Nai không xây dựng được các phương án kinh doanh phù hợp, khả thi khiến hoạt động của HTX ì ạch và thua lỗ là điều tất yếu sẽ xảy ra. Đặc biệt, đối với các HTX nông nghiệp, vấn đề lớn đặt ra hiện nay là sự yếu kém về nội lực kinh tế. Trong tổng vốn điều lệ đăng ký của 73 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 243 tỷ đồng nhưng thực tế vốn các xã viên đóng góp mới chỉ được hơn 78 tỷ đồng, tính bình quân mỗi HTX được khoảng 1,1 tỷ đồng. Điều đáng nói là kết quả hoạt động kinh doanh của các HTX này là rất thấp, theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai) kết quả lợi nhuận của 73 HTX đạt gần 1,6 tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi HTX trong năm 2010 chỉ khoảng 80 triệu đồng. Nếu chia lợi nhuận này cho mỗi xã viên thì trong năm vừa qua, mỗi xã viên thu được vỏn vẹn bốn triệu đồng. Con số này lý giải tại sao nhiều nông dân chưa mặn mà tham gia vào HTX nông nghiệp.
Theo Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc Vũ Xuân Hoàng: “HTX tuy được đánh giá là hoạt động khá nhưng do vốn điều lệ ít rất khó làm ăn lớn. Trong khi đi vay vốn ngân hàng thì đòi hỏi nhiều thủ tục HTX không thể nào đáp ứng được. Do vậy, HTX mong được vay nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, đầu tư kinh doanh sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”. Vay ngân hàng gặp khó khăn, các HTX nông nghiệp chỉ trông chờ vào quỹ hỗ trợ vốn cho các HTX của Liên minh HTX Đồng Nai với lãi suất 9%/năm. Nhưng theo Liên minh HTX, quỹ này chỉ có khoảng 15 tỷ đồng đã được giải ngân hết, so với nhu cầu thực tế, nguồn quỹ này quá ít, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của các HTX.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Đồng Nai Nguyễn Hữu Định cho biết: Hiện các quy định về hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp chưa được hướng dẫn rõ ràng, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Ông Định đưa ra dẫn chứng, Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX đến nay các bộ, ngành liên quan vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này đã làm địa phương lúng túng trong xây dựng phương án phát triển kinh tế tập thể, như khó khăn trong việc cấp đất xây văn phòng làm việc cho các HTX (trong 73 HTX nông nghiệp hiện có 39 HTX chưa có trụ sở làm việc), các chính sách hỗ trợ khác của địa phương cho HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không biết căn cứ theo quy định nào.
Nhân rộng các mô hình
Thời gian qua, với sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới kinh doanh hiệu quả. Kinh nghiệm thành công của HTX dịch vụ nông nghiệp Suối Lớn ở Đồng Nai (HTX Suối Lớn), xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc cho thấy, cùng với yếu tố con người thì chiến lược, định hướng kinh doanh có vai trò rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn và con đường phát triển bền vững, tương lai đi tới của HTX.
Để có được “tấm vé thông hành” xuất khẩu xoài sang các thị trường nước ngoài, các xã viên HTX xoài Suối Lớn đã thực hiện nghiêm các quy định về VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam). Và mới đây, HTX này đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm xoài. Đây là kết quả sau một năm thực hiện thí điểm trên diện tích 15 ha với sản lượng 450 tấn xoài/năm. Sự đầu tư này được xem là yếu tố đột phá, quyết định để đưa trái xoài ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc vượt ra khỏi biên giới, xuất khẩu sang các nước lân cận và sắp tới là xâm nhập vào thị trường châu Âu. Chủ nhiệm HTX Suối Lớn Nguyễn Thế Bảo khẳng định: “Xoài của HTX phần lớn đã xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước trong khu vực. Tôi hy vọng với chứng nhận này, sắp tới chúng tôi sẽ đưa xoài của HTX sang thị trường châu Âu. Bởi trong thời gian qua có rất nhiều đơn vị đến đặt vấn đề ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa thực hiện được do chưa có giấy chứng nhận VietGAP và chưa có đủ số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất xoài ở đây bình quân gần 40 tấn/ha. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, mỗi xã viên thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đây là kết quả liên kết làm ăn của 30 xã viên HTX Suối Lớn đi lên từ sản xuất đơn lẻ. Đây cũng là một trong 11 mô hình nông nghiệp tiêu biểu được chọn để nhân rộng ra trong toàn tỉnh.
Trước yêu cầu của phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ, cũng như làm cơ sở cho việc mở rộng vùng bưởi hàng hóa theo hướng chất lượng cao, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ xây dựng mô hình đạt chứng chỉ GlobalGAP trên cây bưởi tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu. Sau hơn một năm thực hiện, giữa tháng 5-2011, bảy ha bưởi đường tại HTX này đã đạt chứng chỉ GlobalGAP. Đây là thương hiệu bưởi đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế – tiêu chuẩn cao nhất hiện nay trên thế giới). Đồng thời, là tiền đề quan trọng mở ra kỳ vọng thương hiệu bưởi Tân Triều có thêm điều kiện để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài và phát triển bền vững.
Theo chương trình phát triển thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai xây dựng, đến năm 2015 tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng thêm mười thương hiệu quốc gia về sản phẩm nông nghiệp gắn liền với các HTX nông nghiệp để hướng ra thị trường xuất khẩu gồm: xoài La Ngà (Định Quán); chôm chôm Xuân Định (Xuân Lộc); sầu riêng (thị xã Long Khánh); tiêu (Xuân Lộc); điều Donafoods…
Nói về củng cố và phát triển HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết, bên cạnh việc kiên quyết giải thể các HTX hoạt động yếu kém, Liên minh HTX xây dựng các HTX nông nghiệp theo hướng từ thấp đến cao, đa ngành nghề tức là sẽ chọn các câu lạc bộ (CLB), liên hiệp các câu lạc bộ năng suất cao hoạt động có hiệu quả để thành lập các HTX nông nghiệp. Bởi qua quá trình phát triển của các CLB này, hiệu quả làm ăn rất tốt, đồng thời đây là các CLB đã xây dựng được cái nền vững chắc chứ không phải vận động nông dân để thành lập HTX càng nhiều càng tốt như trong thời gian qua, để đến khi được thành lập lại hoạt động không hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng cho rằng, xây dựng HTX nông nghiệp phải xây dựng từ gốc, mà đặc biệt là tìm đầu ra cho từng HTX, muốn làm được điều này các CLB, các trang trại phải liên kết lại với nhau tạo ra các vùng chuyên canh rộng lớn để dễ áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, khi thành lập HTX thì có tư cách pháp nhân, sản phẩm bán ra không qua trung gian vừa chủ động đầu ra vừa tăng thêm lợi nhuận. Với mục tiêu này, đến năm 2015 tỉnh Đồng Nai phấn đấu xây dựng mười HTX nông nghiệp điển hình để làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()