Ngày 10-5, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VI) về củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Ngọc Tăng, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì hội nghị. Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và thường trực các tỉnh ủy, thành ủy dự hội nghị. Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết nêu rõ: Chỉ thị số 14-CT/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VI) đã được các cấp ủy đảng quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc thực hiện Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành,...
Ngày 10-5, tại Hà Nội, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VI) về củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Ngọc Tăng, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì hội nghị. Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và thường trực các tỉnh ủy, thành ủy dự hội nghị.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết nêu rõ: Chỉ thị số 14-CT/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VI) đã được các cấp ủy đảng quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc thực hiện Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo; tạo tiền đề thúc đẩy công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại Việt Nam, góp phần đưa sự nghiệp nhân đạo phát triển lên một bước mới.
Tổ chức của Hội được củng cố, kiện toàn; tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng được khẳng định. Hoạt động hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động nhân đạo nói chung và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ nói riêng được tăng cường. Hoạt động của các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức có chuyển biến bước đầu và mang lại một số kết quả thiết thực. Vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ từng bước được khẳng định ở nhiều địa phương, cơ sở. Báo cáo cũng nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến làm rõ thêm những giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, hỗ trợ của Nhà nước nhằm củng cố tổ chức, phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ trong công tác nhân đạo, từ thiện trong tình hình hiện nay.
Sau khi lắng nghe 20 ý kiến tham luận của các đại biểu, đồng chí Trương Tấn Sang đã phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, nêu rõ: Tất cả những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp thời gian qua đã góp phần tích cực khắc phục khó khăn của một bộ phận dân nghèo trong cơ chế thị trường và những người bị mắc vào tệ nạn xã hội, người bị tai nạn giao thông; khắc phục hậu quả chiến tranh cho người bị nhiễm đi-ô-xin, người bị thương tật; khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ,… làm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng hiện nay.
Cùng với việc khẳng định những kết quả quan trọng đạt được, đồng chí Trương Tấn Sang cũng đã phân tích những hạn chế, yếu kém cần khắc phục… Đồng chí nhấn mạnh và lưu ý một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Một là, công tác nhân đạo, từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cũng như của toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị; góp phần giáo dục, đoàn kết, phát huy các tầng lớp nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện, là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi liền với kiểm tra, giám sát đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức có liên quan, kịp thời uốn nắn lệch lạc, động viên kịp thời những nhân tố tích cực, có nhiều thành tích trong công tác này.
Hai là, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về hoạt động nhân đạo; thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp; ban hành thống nhất chính sách phụ cấp đối với cán bộ hội cấp cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để các cấp hội hoạt động thuận lợi. Phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Ba là, phát triển tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về mọi mặt, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội Chữ thập đỏ các cấp, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động nhân đạo, từ thiện trong giai đoạn mới. Xây dựng Hội Chữ thập đỏ là lực lượng nòng cốt trong công tác nhân đạo, có trách nhiệm chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, biện pháp về công tác nhân đạo; xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác nhân đạo, tránh chồng chéo, trùng lắp, để các hoạt động này được thực hiện đúng mục đích, chăm sóc đúng đối tượng, không bị lợi dụng, tránh gây ảnh hưởng xấu đối với phong trào nhân đạo, từ thiện do Đảng, Nhà nước phát động. Tăng cường hợp tác quốc tế với các Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các Hội Chữ thập đỏ các nước, tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức này, chăm lo ngày càng tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện. Tăng cường trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, các chủ trương, chính sách đối với công tác nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ các cấp.
Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trước yêu cầu của tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền và Hội Chữ thập đỏ các cấp cần phát huy tốt những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được… phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo, từ thiện; chỉ đạo công tác nhân đạo, từ thiện, coi đó là một trong các giải pháp quan trọng để giáo dục tinh thần tương thân, tương ái cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ta, góp phần tăng cường đoàn kết, hạn chế thiệt hại gây ra đối với một bộ phận nhân dân, giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát triển mạnh mẽ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()