Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn
– Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh luôn quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Qua đó, góp phần quản lý tốt nguồn vốn vay.
Tổ TK&VV là nơi tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Tổ gồm tối đa 60 tổ viên, trong đó, tổ trưởng là người điều hành hoạt động của tổ, có năng lực, khả năng ghi chép, sổ sách và thực hiện công tác bình xét cho vay, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi… của các tổ viên.
Tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó, thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ TK&VV. Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV, chi nhánh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện hằng tháng phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở rà soát các tổ như: trình độ, tuổi tác, năng lực của các tổ trưởng; số thành viên của tổ… để thực hiện củng cố, kiện toàn. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời nắm bắt và chỉ đạo.
Tổ trưởng Tổ TK&VV thực hiện nộp lãi của tổ tại điểm giao dịch xã Đại Đồng, huyện Tràng Định
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng là một trong những đơn vị làm tốt công tác nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV. Bà Quách Thanh Huyền, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, phòng giao dịch xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ. Trong đó, tập trung các giải pháp như: thay thế, kiện toàn tổ trưởng có năng lực yếu; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức hội nhận ủy thác; đảm bảo số thành viên của 1 tổ không vượt quá 60 người…
Từ các biện pháp trên, hiện nay, đơn vị đang quản lý 184 tổ TK&VV, (giảm 7 tổ so với đầu năm 2021), 100% tổ hoạt động tốt, khá. Nhờ hiệu quả của các tổ, hiện tỷ lệ thu lãi bình quân của đơn vị duy trì ở mức 99% trở lên; nợ quá hạn 57 triệu đồng (chiếm 0,02% tổng dư nợ), giảm 22 triệu đồng so với đầu năm 2021.
Không chỉ Chi Lăng, thời gian qua, để nâng cao chất lượng các tổ, phòng giao dịch các huyện, thành phố đã tập trung phối hợp với UBND các xã, tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện thay thế các tổ trưởng có năng lực yếu, không nhiệt tình; làm tốt công tác kiện toàn, đảm bảo mỗi tổ có từ 60 thành viên trở xuống…
Cùng với đó, công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ TK&VV được các phòng giao dịch đặc biệt quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, phòng giao dịch các huyện đã phối hợp tổ chức được 160 lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn cho hơn 5.700 lượt cán bộ ban quản lý tổ TK&VV. Cùng đó, thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về sáp nhập các thôn, bản, khối phố phòng giao dịch các huyện, thành phố đã kịp thời ghép tổ đối với các thôn được sáp nhập, đồng thời, tiếp tục duy trì giải pháp kiện toàn, củng cố hoạt động của các tổ.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.126 tổ TK&VV, giảm 66 tổ so với đầu năm 2021 do sáp nhập; dư nợ bình quân 1.518 triệu đồng/tổ (tăng 122 triệu đồng so với đầu năm 2021); số thành viên còn dư nợ bình quân mỗi tổ là 32 thành viên. Kết quả xếp loại tổ TK&VV, đến hết tháng 5/2021 có 97% tổ xếp loại tốt, khá.
Bà Chu Thị Tho, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Hợp Nhất, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng cho biết: Tổ đang quản lý 59 thành viên, dư nợ gần 3 tỷ đồng, tỷ lệ thu lãi hằng tháng đạt 99% trở lên, không có nợ quá hạn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, tôi tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm chính sách vốn, tham gia các chương trình tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hằng tháng, tôi tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn.
Việc chú trọng củng cố, kiện toàn các tổ TK&VV đã góp phần giúp NHCSXH quản lý tốt nguồn vốn vay. Qua đó, nguồn vốn được đưa kịp thời đến đối tượng thụ hương, dư nợ các chương trình đạt cao, chất lượng tín dụng được nâng lên. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tại NHCSXH tỉnh đạt trên 3.228 tỷ đồng, tăng 160,1 tỷ đồng so với 31/12/2020; nợ quá hạn 1.853 triệu đồng, (chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ), giảm 63 triệu đồng so với 31/12/2020; số tổ không có nợ quá hạn chiếm 94%
Ý kiến ()