Củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Nhiều ý kiến cử tri đồng tình, mong luật này sớm được ban hành để áp dụng vào thực tiễn những quy định cụ thể về chế độ, chính sách tương xứng với tính chất công việc và những đóng góp của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), các vụ án hình sự nếu được giải quyết từ sớm, từ cơ sở thì sẽ không hình thành “điểm nóng”, giảm tính chất, mức độ nguy hại đối với xã hội. Đây cũng là một trong những lý do Bộ Công an triển khai lực lượng công an chính quy tăng cường về xã, thị trấn. Cùng với lực lượng này, Bộ Công an tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách, là những người gắn bó với nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, gắn bó với địa bàn, cùng phối hợp với lực lượng công an chính quy duy trì ANTT, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, ngay từ khi bắt đầu. Đây là chủ trương rất đúng đắn để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lực lượng dân phòng phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội phối hợp tham gia cứu nạn trong tình huống cháy. |
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ gắn với kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là lực lượng mới thành lập mà được kiện toàn, sắp xếp, thống nhất từ 3 lực lượng sẵn có. Đây là cơ sở để soạn thảo luật, đề xuất các chính sách về chế độ, cơ chế, điều kiện bảo đảm cho lực lượng này hoạt động hiệu quả nhưng không làm tăng biên chế và tăng chi ngân sách. Khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng “chồng chéo” khi hiện nay hoạt động, nhiệm vụ của 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nói trên đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, với nhiều hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành.
Dự thảo luật quy định: Kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đối với chức danh đội viên đội dân phòng và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của lực lượng dân phòng thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần: Kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (đã cho ý kiến về dự án luật này tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV) cũng như chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, Bộ Công an đã đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay làm cơ sở đề xuất nội dung quy định. Theo đó, dự thảo luật quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện; không làm tăng chi ngân sách nhà nước khi luật này được ban hành.
Theo đó, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bố trí địa điểm, nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; giải quyết các trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xác định là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã. Lực lượng này có chức năng hỗ trợ lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã (không thực hiện công tác quản lý về ANTT ở cơ sở, mà chức năng này do công an cấp xã thực hiện).
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Dự thảo luật đã hoàn thiện các quy định về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với HĐND, UBND cấp xã; với người đứng đầu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương; với lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương. Dự thảo luật cũng đã tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với nhiệm vụ của công an xã và chính quyền cơ sở. Lực lượng này được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ với tính chất là tham gia hỗ trợ công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của công an cấp xã. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/cung-co-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-tai-co-so-746989
Ý kiến ()