Cung cấp năng lực số thúc đẩy học tập suốt đời
Việc cung cấp năng lực số cho người lao động là một yêu cầu của thực tiễn hiện nay. Năng lực số không chỉ giúp người lao động thích ứng và nâng cao hiệu quả trong môi trường làm việc mới mà còn góp phần thúc đẩy học tập suốt đời.
Chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số. Nhiều cơ sở giáo dục hiện đã ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ người lao động có năng lực số còn thấp. Họ không có nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động trên nền tảng số. Nhìn nhận về vấn đề này, tại Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chỉ có sự đổi mới nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục-đào tạo mới có thể đạt được mục tiêu này. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, lựa chọn giải pháp công nghệ không đơn thuần là vấn đề công nghệ mà còn là lựa chọn mô hình hoạt động hoàn toàn khác so với mô hình hoạt động truyền thống hiện nay. GS, TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cần có những nghiên cứu cả lý thuyết lẫn thực tiễn về các khía cạnh và những vấn đề khác của giáo dục mở trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, nhằm đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới và trong nước. Đó là cơ sở để định hướng cho các hoạt động sắp tới, ở mức độ vi mô từng đơn vị và vĩ mô quản lý nhà nước đối với giáo dục mở”.
Xác định rõ quan điểm phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân tiếp cận kiến thức, PGS, TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội đề cập: “Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cũng đồng thời đối diện với một số thách thức như thiếu hạ tầng kỹ thuật và internet, khó khăn trong đào tạo năng lực số hóa cho giáo viên, chấp nhận sự thay đổi, phân hóa tiếp cận công nghệ, sự khác biệt về kiến thức của giáo viên, chi phí đầu tư ban đầu...”.
Khẳng định vai trò tiên phong của giáo dục là công việc không dễ, nhưng không thể chậm trễ và trì hoãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp trong đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường đại học số. Để giáo dục mở, đại học số thực sự đi vào cuộc sống, thể chế là quan trọng và phải đi trước một bước để tạo ra không gian, nguồn lực phát triển.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, ban hành những văn bản đầu tiên về bản đồ công nghệ số trong giáo dục đại học. Bản đồ này có thể phục vụ các nhà hoạch định chiến lược giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, tổ chức giáo dục... để có cái nhìn tổng quan hơn về sự phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục.
Ý kiến ()