tle=”Cung cách kinh doanh rau quả nhập khẩu đã thay đổi”> Cán bộ kiểm dịch Nguyễn Thị Nhung lấy mẫu súp lơ cho xét nghiệm. – Sau khi nhiều thông tin khiến người tiêu dùng hoang mang về tình hình rau, củ, quả mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 cho biết, nhờ được đầu tư các bộ xét nghiệm nhanh theo chuẩn quốc tế đã giúp kiểm soát tốt hơn nguồn rau, quả nhập khẩu.
Kể từ tháng 7 năm 2012, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (gồm sáu tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên) đã đưa vào hoạt động thí điểm bộ xét nghiệm nhanh (test kit) tại cửa khẩu Lào Cai để kiểm tra toàn bộ lượng hàng hóa rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi Cục trưởng Chi cục KDTV vùng 8, cho biết công cụ này không những giúp kiểm soát tốt rau quả nhập khẩu, mà còn giúp thay đổi nhận thức và cung cách buôn bán nơi vùng biên mậu.
Bước đầu làm thay đổi cung cách buôn bán
Chị Hoàng Minh Hà đã nhiều năm sang Trung Quốc mua rau, củ, quả về bán ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Trước đây, chị Hà chỉ cần gọi điện sang đối tác bên Trung Quốc để đặt hàng các loại rau, củ, quả. Đến ngày giờ đã hẹn, chị chỉ việc đến cửa khẩu để làm thủ tục thông quan. Nhưng mới đây, không may, một lô khoai tây nhập về của chị bị sâu, không bảo đảm VSATTP nên đã bị cơ quan chức năng không cho phép thông quan và yêu cầu tiêu hủy. Vậy là chị đã mất trắng cả lô hàng trị giá hơn 50 triệu đồng, kèm theo những tiền vận tải và chi phí tiêu hủy.
Kể từ đó, chị Hà đã không còn chủ quan như trước, mà phải sang tận nơi xuất hàng ở nước bạn để kiểm tra chất lượng hàng, rồi mới thuê xe chở đến cửa khẩu để kiểm nghiệm thông quan. Chị Hoàng Minh Hà nói: “Kể từ khi có quy định về kiểm tra ATTP đối với các hàng hóa nhập qua biên giới, ban đầu bọn tôi cũng thấy lo, vì sợ mất thêm nhiều thời gian sẽ khiến hàng rau quả tươi bị hỏng. Nhưng thực tế chỉ mất có hai tiếng đồng hồ là tôi đã biết kết quả và hàng sẽ được thông quan nếu không vấn đề gì”. Chị nói thêm: “Việc xét nghiệm thế cũng tốt vì giúp bọn tôi yên tâm về chất lượng hàng nhập, người mua hàng của chúng tôi cũng yên tâm hơn”.
Ông Nguyễn Văn Tuân đánh giá, mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng tác động kiểm tra ATTP bằng các xét nghiệm nhanh là rất lớn. Đó là làm thay đổi cung cách làm ăn của cả bên mua và bên bán. Ông Tuân nói: “Ngay cả những người bán bên nước bạn và những chủ hàng phía Việt Nam đều phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, nếu không họ sẽ chịu thiệt hại không nhỏ”. Ông Tuân thêm, khi vấn đề về chất lượng hàng hóa được đưa vào kiểm soát chặt chẽ thì cả những người sản xuất để xuất khẩu cũng phải điều chỉnh và cẩn thận hơn về vấn đề ATTP. Từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho đến bao gói, vận chuyển cũng sẽ cẩn trọng hơn.
Ông Tuân cho biết, kể từ tháng 7-2012 đến nay, Chi cục vùng 8 đã phát hiện tám lần và kiên quyết xử lý, trả hàng về nơi xuất xứ. Những lô hàng bị phát hiện có nguy cơ mất an toàn cũng được thông báo cho cơ quan chức năng nước bạn để phối hợp xử lý.
Yên tâm rau nhập nhưng quá trình vào nội địa vẫn thấy lo
Tại Kỳ họp thứ 4, Khóa XIII của Quốc hội vừa qua, Đại biểu QH Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bày tỏ lo ngại: Phải chăng hàng hóa Việt xuất đi các nước khác phải ‘trầy vi tróc vẩy’, chịu đựng hàng trăm hình thức kiểm tra của nước ngoài, còn hàng hóa nước ngoài nhập vào ta trong đó có quá nhiều hàng độc hại lại được cho qua dễ dàng? Phóng viên NDĐT đã mang những lo lắng này đến Cục Bảo vệ thực vật là đơn vị mới được giao “gác biên” về các sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu để có câu trả lời.
Tại đây, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Không có lý do gì để buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch hàng rau, củ, quả vì Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc đã ký kết nhập khẩu chính ngạch có mức thuế bằng 0. Nên nếu có nhập lậu thì số lượng cũng vô cùng nhỏ vì họ không có lãi, mà còn bị bắt thì thiệt hại lớn”. Ông Hồng nói thêm, hàng rau quả tiểu ngạch có chăng chỉ được nhập vào qua đường du lịch hoặc người dân vùng biên qua lại mang về để ăn. Khác với buôn, bán động vật, các mặt hàng thực vật có giá trị không cao nên phải buôn bán với số lượng lớn, vì buôn nhỏ lẻ sẽ không có lãi. Với mức thuế nhập khẩu bằng 0, các doanh nghiệp đều nhập số lượng và vận chuyển bằng xe tải.
Ông Hồng cho biết: “Thế giới họ kiểm tra rau quả nhập khẩu như thế nào thì bên ta cũng đã có các hàng rào kỹ thuật kiểm tra như vậy. Việt Nam là nước đi sau nên học hỏi được nhiều nên chỉ cần áp các tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật từ các nước vào ta. Trình độ chuyên môn của ta cũng không thua kém các nước khác. Người Mỹ, Nhật Bản sang ta cũng phải công nhận chúng ta. Về máy móc chúng ta cũng ngang ngửa với các nước tiên tiến”.
Ông Hồng cũng thừa nhận: “Việc quản hàng thực vật nhập khẩu hiện vẫn dễ hơn quản sản xuất trong nước vì lượng nhập khẩu so với tổng nguồn cung là không nhiều, lại tập trung. Trong khi sản xuất trong nước của ta còn manh mún nên khó quản hơn”.
Tuy nhiên điều đáng lưu ý về rau quả nhập khẩu là sau khi rau quả an toàn được thông quan, rồi đem về các chợ đầu mối và chợ cóc để tiêu thụ thì việc sử dụng thuốc bảo quản, bao gói…vẫn là vấn đề cần được các cơ quan chức năng, đặc biệt là chi cục BVTV các địa phương quan tâm nhiều hơn để không bị trống “trận địa”.
Kể từ khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, Cục và các chi cục Bảo vệ thực vật vùng và địa phương ngoài chức năng chính là kiểm dịch thực vật, nay nhận thêm trọng trách kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) có nguồn gốc từ thực vật.
Kiểm tra, kiểm dịch ATTP là vấn đề khó nên ban đầu đã được Nhà nước đầu tư hai trung tâm kiểm nghiệm thực vật hiện đại ngang tầm thế giới đặt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, các trung tâm này có khả năng phát hiện hàng trăm loại hoạt chất khác nhau. Tuy nhiên do nước ta có vùng biên giới trải dài với nhiều cửa khẩu nên việc xét nghiệm dễ rơi vào quá tải, mất nhiều thời gian do phải gửi mẫu vật từ các cửa khẩu về hai trung tâm, ảnh hưởng đến các nhà xuất nhập khẩu.
Từ tháng 7 đến nay riêng tại cửa khẩu Lào Cai, đã có tới hơn 4000 lô hàng tương đương với hơn 94 nghìn tấn rau, củ, quả trải qua hàng trăm xét nghiệm theo quy định mới. Bước đầu mới chỉ phát hiện và xử lý số ít hàng không bảo đảm VSATTP, và đã được các cơ quan chức năng xử lý khá triệt để.
Tuy nhiên để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, các trang thiết bị cần được nâng cấp thêm, đặc biệt tại các cửa khẩu để tránh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, cùng với đó ngành cũng cần bổ sung thêm nhân lực có chuyên môn sâu để làm chủ được các trang thiết bị hiện đại. Ông Hồng nói: “Ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện về hành lang pháp lý cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các cán bộ xử lý được những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thí dụ như phạt như thế nào, bao nhiêu tiền, kinh phí đầu tư cho máy móc thiết bị lấy ở đâu…”. Ông Hồng cũng cho rằng: “Chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác quốc tế để kiểm tra tận gốc vùng sản xuất rau quả của họ, xem quy trình sản xuất của họ thế nào, sử dụng thuốc BVTV ra làm sao, thậm chí lấy mẫu ngay tại nơi sản xuất của họ”.
Tại các cửa khẩu chính có lượng rau quả nhập khẩu lớn hiện đều được trang bị các phòng xét nghiệm nhanh để kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh ATTP. Từ đó phát hiện nhanh những hàng hóa có nguy cơ mất ATTP. Việc trang bị các bộ xét nghiệm nhanh đã giúp sàng lọc nhanh (chỉ sau hai giờ) những hàng hóa có nguy cơ mất ATTP, cũng giúp thông quan nhanh hàng hóa cho nhà nhập khẩu và ngăn chặn các sản phẩm rau quả mất VSATTP vào trong nước.
Vấn đề ATTP trên thế giới luôn rất quan tâm hướng dẫn cho người tiêu dùng, vì vậy ông Nguyễn Xuân Hồng khuyến cáo:
1. Đối với người tiêu dùng trong nước:
– Nên mua ở những cửa hàng có giấp chứng nhận VSATTP. Nếu ai cũng mua ở các cửa hàng này thì sẽ tạo được thị trường ổn định cho những người sản xuất rau quả sạch. Từ đó mới phát triển được các vùng sản xuất rau quả an toàn.
– Phải chọn các sản phẩm an toàn. Không nên dùng rau quả trái vụ. Nên sử dụng các loại quả có vỏ. Trong quá trình chọn thì chỉ cần bằng mắt thường nếu thấy củ quả không bình thường thì đừng mua.
– Rửa sạch, nhặt kỹ, bóc sạch. Thí dụ đối với rau bắp cải thì ta nên bóc đi ba lớp vỏ ngoài, rồi rửa sạch bằng nước ấm hoặc nước muối, rồi nấu chín, vì nấu chín (50% các vụ ngộ độc thực phẩm trên thế giới là do vi sinh vật, chỉ khoảng 25% là do độc tố có trong sản phẩm gây ra).
– Người dân cũng cần nêu cao ý thức cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn.
2. Đối với người sản xuất có bốn nguyên nhân chính:
– Sử dụng đúng thuốc, không dùng thuốc ngoài danh mục được phép.
– Phun nhiều lần và quá nồng độ và trộn nhiều loại thuốc với nhau sẽ ảnh hưởng đến cả cây và sức khỏe của con người.
– Không bảo đảm thời gian cách ly sau khi phun thuốc nên thuốc chưa kịp phân hủy hết.
– Dụng cụ và kỹ thuật phun không đúng quy cách, quy trình nên phun chỗ dày, chỗ mỏng.
3. Đối với vận chuyển thì chủ yếu là không được sử dụng xe bẩn để vận chuyển vì nếu bẩn làm tăng vi sinh vật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()