Từ làm nghiêm… đến “chùn bước”
Khi Bộ GD và ÐT đưa ra dự thảo, hoặc là cụm thi chỉ tổ chức do các sở GD và ÐT chủ trì hoặc cụm thi chỉ tổ chức do trường ÐH chủ trì, lập tức các trường ÐH phản ứng gay gắt và khẳng định không chấp nhận kết quả tổ chức thi do các sở chủ trì. Vì vậy, giải pháp mang tính “thỏa hiệp”, được Bộ GD và ÐT đưa ra là tổ chức cụm thi do các trường ÐH chủ trì dùng cho cả xét tốt nghiệp và tuyển sinh ÐH và một số cụm thi do sở GD và ÐT chủ trì chỉ dùng cho xét tốt nghiệp THPT. Mặc dù, phương án đưa ra đáp ứng được cơ bản đòi hỏi chất lượng đối với tuyển sinh ÐH nhưng vẫn tạo nên nhiều lo lắng trong dư luận xã hội, nhất là chất lượng cụm thi do sở GD và ÐT chủ trì.
Vì sao các sở GD và ÐT tổ chức cụm thi lại khiến xã hội thiếu tin tưởng, lo lắng và cảnh báo chất lượng sẽ khó bảo đảm? Năm 2007, khi ngành GD và ÐT triển khai phong trào “hai không” – nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó được coi là “tiếng pháo lệnh” với giải pháp được đưa ra mang lại kết quả thực chất. Trong đó, giải pháp đưa cán bộ, giảng viên các trường ÐH về thanh tra (gọi là thanh tra ủy quyền) tại các hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT được coi là bước đi đột phá. Năm 2007 có 5.729 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh tra, giám sát. Năm 2008, Bộ GD và ÐT điều động 65 đoàn thanh tra gồm 7.912 cán bộ, giảng viên các trường ÐH về các địa phương, trong đó có 7.718 cán bộ giám sát trực tiếp tại các điểm thi. Ngoài ra, để nâng cao tính khách quan, trung thực của kỳ thi tốt nghiệp, giải pháp thi theo cụm, chấm chéo các tỉnh cũng được đưa ra. Kết quả của quá trình vào cuộc quyết liệt của Bộ GD và ÐT với những giải pháp thắt chặt cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều địa phương thấp một cách “thảm hại”. Ðiển hình, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục THPT lần một, năm 2007, tỉnh Tuyên Quang là 14,28%; tỉnh Bắc Cạn là 20,26%, tỉnh Sơn La là 24,33% (giáo dục thường xuyên của tỉnh Sơn La chỉ đỗ tốt nghiệp 3,22%…). Mặc dù, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá thấp nhưng rõ ràng, xã hội chấp nhận kết quả đó và ghi nhận chất lượng thật của kỳ thi…
Do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của một số địa phương thấp cho nên dù địa phương không thẳng thừng phản đối nhưng lực lượng thanh tra ủy quyền khi thực hiện nhiệm vụ bị gây khó dễ. Chỉ với một, hai cán bộ giảng viên ở trường ÐH đến ăn ở, thanh tra tại hội đồng coi thi của địa phương thì ngay chuyện di chuyển giữa các điểm thi mà không nhận được sự hợp tác của hội đồng coi thi cũng khó có thể thanh tra, giám sát được. Ðó là chưa kể việc cán bộ, giảng viên đến nơi “đất khách, quê người” để “soi” việc làm sai sẽ khó nhận được thiện cảm của nhiều người địa phương đó. Vì vậy, sau một, hai năm hoạt động hiệu quả thì dường như cán bộ, giảng viên các trường ÐH bị “vô hiệu hóa”. Mặt khác, giải pháp thi theo cụm và chấm chéo giữa các tỉnh cũng được áp dụng với mong muốn các địa phương sẽ không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi” với tỷ lệ tốt nghiệp cao của học sinh địa phương mình. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ được một, hai năm, sau đó khi gặp phải sức ép thì các tỉnh ngầm “bắt tay” trong việc chấm tốt nghiệp. Ðỉnh điểm là trường hợp một số tỉnh ÐBSCL, có dấu hiệu “thống nhất” chấm “lỏng” hơn quy định của Bộ GD và ÐT năm 2011. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, đỗ tốt nghiệp như là “giấy thông hành” công nhận học sinh học xong phổ thông còn phân biệt trình độ, năng lực là thông qua thi ÐH thì cần gì ngành GD và ÐT phải tốn công sức và “gây khó dễ” với tấm bằng tốt nghiệp. Vì vậy, Bộ GD và ÐT “chùn bước”. Năm học 2010-2011, lực lượng thanh tra ủy quyền giảm đáng kể và dần không còn được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; quy định chấm chéo, thi cụm cũng không còn được áp dụng.
Chính thời điểm các quy định về thi tốt nghiệp THPT được “nới lỏng” cũng là lúc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhiều địa phương tăng đột biến. Trong đó, tỉnh Sơn La là một điển hình. Năm 2009, tỉnh Sơn La “đội sổ” cả nước, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp chỉ 40,67%. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một năm, vào kỳ thi năm 2010, tỉnh Sơn La đã có cuộc “đại nhảy vọt” với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 92,07% (tăng 52% so với năm 2009), xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố… Kỳ thi tốt nghiệp THPT trở về “quỹ đạo” những năm trước với chất lượng đã không tạo được niềm tin trong xã hội.
Bảo đảm chất lượng thực
Sau khi hàng loạt địa phương có kết quả thi tốt nghiệp THPT “đại nhảy vọt”, liên tục những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng đều phát hiện ra tiêu cực nghiêm trọng. Trong đó, năm 2012, vụ việc hội đồng coi thi THPT dân lập Ðồi Ngô (Bắc Giang) tổ chức giải bài thi cho thí sinh; năm 2013 một số phòng thi của hội đồng coi thi THPT Quang Trung (Hà Ðông, Hà Nội) để học sinh tự do trao đổi, chép bài của nhau… Ðáng chú ý, tại hội nghị tổng kết năm học vào tháng 7-2013, Bộ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận thông tin: Bộ GD và ÐT chấm phúc tra 17 nghìn bài thi ở những nơi có tỷ lệ tốt nghiệp không bình thường của 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, kết quả cho thấy sai phạm rất lớn thể hiện việc: coi thi không nghiêm túc (vì có nhiều sai sót, thậm chí là sai sót ngớ ngẩn giống nhau); chấm thi không chính xác, sai lệch không chấp nhận được; chỉ đạo không sâu sát và quyết liệt. Bộ trưởng GD và ÐT gửi thư cho bí thư, chủ tịch các tỉnh để thông tin chi tiết về kết quả thực tế của kỳ thi THPT. Lập tức, nhiều giám đốc sở GD và ÐT “tự ái”, phản ứng lại khiến Bộ phải yêu cầu đối thoại trực tiếp về kết quả chấm thi. Lúc đó lãnh đạo các sở mới chịu “thoái lui”, không đối thoại.
Những gì đã xảy ra của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ nhiều năm trước đến nay cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định trong thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương năm nào cũng diễn ra. Khi các tiêu cực bị phanh phui thì ngành GD và ÐT cho rằng, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng yếu tố con người vẫn là quyết định. Ðối với thí sinh dự thi, thì tốt nghiệp THPT không hề có sự cạnh tranh, cho nên việc đấu tranh, giám sát tiêu cực của người đi thi gần như không có. Do không có tính cạnh tranh, lại thi cùng bạn bè trong lớp, trong trường dẫn đến nhiều em dễ dàng “giúp đỡ”, nếu bạn không làm được bài. Mặt khác, kết quả tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng dạy phổ thông, cho nên tâm lý giám thị không dại gì làm nghiêm để tỷ lệ tốt nghiệp thấp, sẽ chẳng khác nào “tự lấy đá ghè chân mình”. Trong khi đó, các sở GD và ÐT vẫn nặng về thành tích, tìm mọi cách để tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao. Bộ GD và ÐT dường như bất lực vì các số liệu thống kê, quá trình chấm thẩm định đều khẳng định được những sai phạm ở các địa phương. Tuy nhiên, sau một số năm công khai phổ điểm, sự chênh lệch giữa phổ điểm môn thi ÐH và THPT cũng như kết quả chấm thẩm định ở các địa phương, thì Bộ GD và ÐT lại giấu kín các số liệu đó để “bảo vệ” các địa phương theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Như vậy, xã hội không thể giám sát được chất lượng thật của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những thực tế như phân tích ở trên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dù chưa diễn ra nhưng Bộ GD và ÐT cho tổ chức một số cụm thi do sở GD và ÐT chủ trì (dùng cho công nhận tốt nghiệp THPT) với dự kiến về cách thức tổ chức, giám sát không có gì mới; các sở GD và ÐT vẫn được “vừa đá bóng, vừa thổi còi” với chất lượng học sinh của mình trong khi căn bệnh thành tích còn phổ biến thì kết quả và chất lượng của các cụm thi này rõ ràng là rất khó bảo đảm. Tình trạng giám thị làm ngơ để xảy ra lộn xộn, chép bài của nhau trong phòng thi, hoàn toàn có thể xảy ra. Ðiều đó dẫn đến tình huống, điểm ở cụm thi do sở GD và ÐT chủ trì có kết quả cao hơn ở cụm do trường ÐH chủ trì. Trong khi thí sinh thi ở cụm sở chủ trì lại không được dự tuyển vào các trường ÐH lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Mặt khác, tình trạng học sinh học tốt hơn nhưng do thi ở cụm ÐH làm nghiêm túc, có thể trượt tốt nghiệp trong khi thí sinh học kém hơn thi cụm sở chủ trì có yếu tố “người nhà”, lại có thể đỗ tốt nghiệp. Tình trạng thí sinh đủ điểm đỗ ÐH nhưng lại không đỗ tốt nghiệp THPT vì “rủi ro” có thể xảy ra. Tất cả khiến cho việc tổ chức cụm thi do sở GD và ÐT chủ trì luôn tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực và không thể tạo được niềm tin với xã hội. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần có phương án để tổ chức các cụm thi dưới hình thức khác nhau nhưng chất lượng phải bảo đảm của một kỳ thi THPT quốc gia.
Ý kiến ()