Cúm B và những dấu hiệu nhận biết trẻ cần nhập viện
Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn.
Tỷ lệ trẻ mắc bệnh lý hô hấp gia tăng thời gian gần đây. |
- Gia tăng trẻ nhiễm cúm B
Sốt liên tiếp 3 ngày, đặc biệt toàn sốt về chiều tối, chị Triệu Thị Hà (Hà Đông, Hà Nội) sốt ruột đưa con đi khám tại một cơ sở tư nhân và được tư vấn làm các xét nghiệm.
Chị cho con test cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, Covid-19. “Kết quả cháu bị cúm B và đã có bội nhiễm sang viêm đường hô hấp, viêm xoang. Tôi không nghĩ bị cúm B lại diễn biến nhanh vậy”, chị Hà tâm sự.
Cũng tâm tư như chị Hà, chị Hoàng Minh Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) đầy lo lắng khi con chị là cháu thứ 5 trong lớp nghỉ học vì sốt. Ban đầu chị nghĩ có thể do thay đổi thời tiết, muỗi nhiều nên con bị sốt xuất huyết.
Nhưng theo dõi thấy cháu không có vết xuất huyết dưới da, vẫn ăn và chơi bình thường, chị nghĩ con mình bị sốt virus. Thế nhưng đến ngày thứ 4, con chị vẫn sốt dai dẳng, ho nhiều, có biểu hiện viêm xoang, chị mới cho vào viện khám thì được biết con mắc cúm B.
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đang có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B. Nhiều cơ sở nhi khoa quá tải bệnh nhân tới khám.
Mặc dù cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến ở nước ta và xảy ra hằng năm, nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu đúng và đủ về bệnh, dẫn đến tâm lý chủ quan hoặc hoang mang lo lắng quá mức.
PGS, TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp.
“Kể từ sau đại dịch Covid-19 các nghiên cứu thấy rằng cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D. Ở các nước nhiệt đới, bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng chủ yếu gặp vào mùa đông và bệnh có thể gây thành dịch không theo quy luật thông thường”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ.
Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm B từ 1 ngày đến 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn.
Cúm B lây từ người sang người qua thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm. (Ảnh minh họa) |
Phân biệt trẻ mắc cúm B so với các bệnh truyền nhiễm khác
Trước sự gia tăng của nhiều bệnh lý hô hấp, bác sĩ Tuấn chia sẻ, đã có nhiều gia đình tự ý làm xét nghiệm khi không cần thiết, gây lãng phí tiền bạc, hay sử dụng các loại thuốc không đúng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ…
Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức.
Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như: viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan nhưng rất hiếm.
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn khuyến cáo một số nhóm trẻ em có thể gặp nguy cơ biến chứng nặng do cúm gồm: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi; Trẻ có các bệnh mãn tính: Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh/mắc phải, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, trẻ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa, béo phì,…
Bệnh cúm B phần lớn là nhẹ và tự hồi phục, chủ yếu điều trị và chăm sóc tại nhà, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với virus cúm, chỉ dùng thuốc kháng virus trong một số trường hợp đặc biệt, tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Với trẻ cúm nhẹ, gia đình có thể chăm sóc bé tại nhà và chủ yếu điều trị triệu chứng. Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà với môi trường sạch sẽ, thoáng mát thông gió.
Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như: paracetamol liều từ 10-15 mg/kg/lần (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4-6 giờ nếu sốt ≥ 38,5 độ C.
Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn mềm, cho uống thêm nhiều dịch (không dùng các loại nước ngọt công nghiệp): nước quả, dung dịch orezol…
Nếu trẻ có biểu hiện ho, gia đình cho con dùng các thuốc ho thảo dược. Thông thoáng đường thở bằng nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi.
Dấu hiệu của trẻ cần đưa tới cơ sở y tế
Bác sĩ Tuấn cảnh báo một số dấu hiệu ở trẻ khi sốt cần phải đưa tới cơ sở y tế gồm: Khi trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm.
Trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp.
Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao).
Trẻ không ăn/uống. Trẻ có biểu hiện mất nước: môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường).
Trẻ có thể thay đổi ý thức như trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật… Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều. Trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng.
“Cha mẹ/người chăm sóc không tự ý gọi xét nghiệm chẩn đoán cúm B cũng như các xét nghiệm khác, không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh cũng như các thuốc kháng virus cho trẻ mà nên theo tư vấn, chỉ định của các bác sĩ”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ khi thăm khám các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, để từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ.
Các bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng virus cho những trẻ có nguy cơ cao/trẻ có các biến chứng (chỉ dùng cho những trường hợp sốt >
Nếu có suy hô hấp, tùy mức độ suy hô hấp sẽ được hỗ trợ hô hấp bằng thở ô-xy hoặc thở máy, bù nước điện giải, điều trị suy tim nếu có…
Để phòng bệnh cúm B, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ lưu ý cho trẻ giữ khoảng cách xa tối thiểu 1m với những người có các triệu chứng cúm. Nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng cúm, bạn nên để trẻ ở nhà không đi học.
Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng. Sử dụng khăn giấy hoặc mặt trong cánh tay khi bạn ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định và rửa tay.
Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống, thìa, bình sữa, đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì tiếp xúc với miệng hoặc mũi. Làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào.
Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế: Tiêm phòng cúm (vaccine cúm bao gồm cả cúm A và B, được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi) là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Tiêm phòng hằng năm sẽ tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ chống lại các chủng cúm gần đây nhất, giúp phòng các biến chứng nặng nếu nhiễm bệnh.
Ý kiến ()