Cục Quân y: Bệnh do virus Marburg nguy hiểm nhưng khó lây lan
Căn cứ đặc điểm dịch tễ học, đường lây và các thông tin về bệnh do virus Marburg, bệnh khó có khả năng lây lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam. Đây là khẳng định của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) khi thông tin về bệnh do virus Marburg có nguy cơ bùng phát tại châu Phi.
Đặc điểm của bệnh
Bệnh do virus Marburg là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A (Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam), tỷ lệ tử vong từ 25% đến 90%. Bệnh ghi nhận đầu tiên vào năm 1967 tại Đức và Serbia, thời gian sau đó bệnh xuất hiện các trường hợp tản phát, lẻ tẻ tại một số nước châu Phi. Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay tại Guinea Xích đạo đang bùng phát dịch do virus Marburg với hàng chục ca mắc, 9 trường hợp tử vong (số liệu đến ngày 13-2-2023).
Bệnh gây ra bởi virus Marburg. Virus có thể tồn tại trong nhiều ngày ở môi trường chất thải bệnh nhân hoặc bề mặt trung tính ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên bị diệt bởi nhiệt độ trên 56 0C trong 60 phút. Hóa chất nhóm Clo, chất Oxi hóa, muối kim loại nặng, chất tẩy và xà phòng cũng như tia cực tím, bức xạ gamma đều có thể diệt được virus ở những liều lượng thông thường.
Bệnh Marburg chủ yếu lây theo đường tiếp xúc trực tiếp với máu và chất tiết của người bệnh hay động vật nhiễm virus (dơi được xác định là nguồn truyền nhiễm); hoặc thông qua các dụng cụ, đồ vật ô nhiễm khi giết mổ động vật, dụng cụ điều trị tại bệnh viện, trong sinh hoạt. Virus cũng có thể lan truyền qua nước bọt và dịch tiết hô hấp bắn ra từ người bệnh; có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục và tại phòng thí nghiệm do không đảm bảo an toàn sinh học.
Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Bệnh lây truyền từ người sang người ở cuối thời kỳ ủ bệnh, cao nhất ở giai đoạn toàn phát có sốt cao và kéo dài trong suốt thời gian virus còn có trong máu và các chất tiết của bệnh nhân sống sót. Mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm virus và mắc bệnh do virus Marburg. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Bệnh nhân nhiễm virus Marburg được điều trị tại bệnh viện ở Luanda, Angola. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Triệu chứng
Bệnh có bệnh cảnh chung của nhiễm virus cấp tính, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc, chảy máu cam, xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu…). Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.
Điều trị
Hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: Phát hiện, điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng, chống sốc; hạn chế tối đa các biến chứng. Có thể sử dụng một số hóa dược kháng virus như Ribavirin. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm.
K hả năng lây lan vào Việt Nam
Căn cứ đặc điểm dịch tễ học, đường lây và các thông tin về bệnh do virus Marburg, bệnh khó có khả năng lây lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A nên tuyệt đối không được chủ quan, luôn luôn phải theo dõi, đánh giá, phân tích, dự báo và chủ động có các biện pháp, giải pháp, phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Phòng, chống dịch như thế nào?
Theo Cục Quân y, cần tuyên truyền giáo dục cộng đồng để có những hiểu biết cơ bản nhất và cách phòng, chống khi có nguy cơ cảnh báo về khả năng xâm nhập của virus.
Kiểm dịch y tế biên giới chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nghi mắc bệnh có thể xâm nhập từ các khu vực có lưu hành bệnh trên thế giới. Hướng dẫn và tổ chức cho nhân viên y tế, đặc biệt là người làm việc tại khu vực cửa khẩu về các quy định giám sát, kiểm soát, xử lý phòng, chống dịch bệnh do virus Marburg.
Nhân viên phòng xét nghiệm phải được tập huấn định kỳ về an toàn sinh học đối với các virus thuộc nhóm bệnh này. Nhân viên y tế phải được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ cá nhân có độ an toàn sinh học cấp 3 khi tiếp xúc, làm việc với tác nhân nghi là virus Marburg.
Tại bệnh viện khi điều trị người bệnh, thực hiện cách ly bắt buộc, nghiêm ngặt người bệnh tại bệnh viện trong vòng 21 ngày sau khi phát bệnh. Bắt buộc mang mặc phương tiện bảo hộ cá nhân đúng quy cách khi tiếp xúc với người bệnh, bệnh phẩm hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện khử khuẩn triệt để theo quy định các chất dịch cơ thể của người bệnh (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác), buồng bệnh, quần áo, đồ dùng ô nhiễm… Theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong thời gian 3 tuần kể từ khi phơi nhiễm những người tiếp xúc trực tiếp hay sống cùng người bệnh từ trước khi phát bệnh 5 ngày hoặc nhân viên phòng thí nghiệm trong thời gian làm việc với bệnh phẩm có virus Marburg.
Ngành Quân y hiện có 5 cơ sở có khả năng chẩn đoán phát hiện mầm bệnh là: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 103, Viện Y học Dự phòng Quân đội và Viện Y học Dự phòng Quân đội phía Nam. Quân y các tuyến có đủ khả năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh viện quân y tuyến chiến lược và tuyến cuối quân khu có đủ khả năng điều trị bệnh do virus Marburg ở các mức độ khác nhau.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()