Cục Quản lý thị trường: Kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
(LSO) – Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn, nhất là các hành vi quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả trên các trang mạng xã hội.
Theo đó, từ tháng 1/2020, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ rà soát các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên mạng xã hội zalo, facebook có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Qua theo dõi, lực lượng QLTT nhận định, các mặt hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm và đồ thời trang thường được các đối tượng lựa chọn để kinh doanh với hình thức đưa hình ảnh quảng cáo sai sự thật trên mạng, “treo đầu dê, bán thịt chó” để bán hàng và thu lợi bất chính. Như trường hợp ngày 23/3/2020, qua theo dõi facebook LANH PHAM chuyên quảng cáo bán các loại mỹ phẩm nhập ngoại có dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra địa điểm kinh doanh tại chợ Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phát hiện và xử lý chủ facebook là bà Tô Thị Khuê, phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm các loại mỹ phẩm như: nước tẩy trang, kem dưỡng da, sữa rửa mặt…
Cán bộ Đội Quản lý thị trường đội 1 kiểm tra hàng hóa thu giữ
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho biết: Để có thể kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh online, đội đã cử các tổ quản lý địa bàn nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, rà soát, theo dõi các cơ sở kinh doanh các nhóm mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược rao bán trên các trang thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội zalo, facebook…, thậm chí đóng vai khách hàng đặt mua sản phẩm để xác minh. Khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, đội sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp, triển khai kiểm tra, xử lý đột xuất, hạn chế tình trạng đối tượng cất giấu hàng hóa vi phạm để qua mặt lực lượng chức năng.
Như trường hợp ngày 12/3/2020, qua rà soát, nắm thông tin, Đội QLTT số 6 phối hợp với Đội QLTT số 1 kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh kính mắt trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, qua đó đã phát hiện 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Vĩnh Trại có hành vi quảng cáo, bán các loại kính giả mạo nhãn hiệu trên mạng internet. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền 63 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá 85,6 triệu đồng.
Theo đánh giá của lực lượng QLTT, các hình thức kinh doanh trên mạng đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, nhất là từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, các giải pháp cụ thể để thống kê, kiểm tra, kiểm soát cũng như chế tài xử lý còn hạn chế. Hiện tại mới chỉ xử lý các đối tượng ở các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái và không có nguồn gốc xuất xứ là chủ yếu. Do vậy, hiện nay, các đội nghiệp vụ QLTT vừa kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử vừa kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính hơn 70 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 100 triệu đồng. Đồng thời, tuyên truyền về lĩnh vực thương mại điện tử, ký cam kết chấp hành quy định pháp luật đối với 50% số tiểu thương kinh doanh tại các chợ lớn như: Tân Thanh, Kỳ Lừa, Đông Kinh. Từ nay đến cuối năm 2020, lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện ký cam kết đối với các hộ kinh doanh còn lại.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho biết: Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng sẽ tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong thương mại điện tử. Qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo chiều hướng tích cực.
Ý kiến ()