Cuba nỗ lực khắc phục hậu quả do siêu bão Irma
Ngày 12/9, nhà chức trách Cuba đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão Irma để lại sau khi nhiều địa điểm du lịch, nhà cửa và cơ sở hạ tầng nước này bị tàn phá nghiêm trọng, gây mất điện nước trên diện rộng. Đây được xem là cơn bão mạnh nhất tràn vào Cuba trong 80 năm qua.
Người dân thủ đô La Habana cho biết bão Irma tràn vào và mang theo các đợt sóng dâng cao tới 10m. Tại khu vực trung tâm thủ đô La Habana, nhiều ngôi nhà cũ đã bị đổ sập khi nước biển dâng cao và lấn vào đất liền khoảng 300m cùng với gió mạnh càn quét. Khoảng 100.000 người dân thủ đô đã phải sơ tán. Theo thống kê, với sức gió 253km/h, bão Irma đã càn quét khắp khu vực duyên hải Cuba từ phía Đông tới phía Tây, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng tại các tỉnh miền Trung và miền Tây như La Habana, Matanzas (Ma-tan-dát), Camaguey (Ca-ma- gu-ây) và Ciego de Ávila (Xi-ê-gô đề A-vi-la). Khi nước rút, giới chức Cuba bắt đầu triển khai khắc phục hậu quả tại 13 trên 15 tỉnh.
Thứ trưởng Năng lượng và Khai thác Mỏ Cuba, Yuri Villamonte (Y-u-ri Vi-la-môn-tê) thông báo do bão Irma làm hư hại nghiêm trọng các nhà máy nhiệt điện, hiện vẫn chưa thể xác dịnh được khi nào các nhà máy mới có thể hoạt động trở lại. Thiệt hại đối với nhà máy nhiệt điện Matanzas là đáng quan ngại nhất do nó cung cấp điện cho thủ đô La Habana với dân số 2 triệu người.
Các sân bay quốc tế tại thủ đô La Habana và thành phố nghỉ dưỡng Varadero (Va-ra-đê-rô) đóng cửa trong suốt 3 ngày qua đã hoạt động trở lại. Dịch vụ xe buýt đã nối lại hoạt động trên cả nước, các trường học không bị bão tác động trực tiếp cũng mở cửa lại. Tại thủ đô La Habana, Các lực lượng vũ trang Cách mạng (FAR), các tình nguyên viên đã hỗ trợ công nhân thành phố dọn sạch đường phố. Cảnh sát đã đứng ra điều tiết giao thông tại các ngã tư do đèn giao thông đã bị bão cuốn đi. Tuy nhiên, đại lộ Malecon vẫn chìm trong biển nước.
Các khu nghỉ dưỡng ven biển phía Bắc cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Cuba. Trước tình hình này, Bộ trưởng Du lịch Manuel Marrero (Ma-nu-en Ma-rê-rô) khẳng định Cuba vẫn sẽ sẵn sàng cho mùa du lịch cao điểm bắt đầu vào tháng 11 tới. Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) cũng cam kết sẽ sửa chữa cơ sở hạ tầng trước thời điểm này. Ngoài ra, giới chức y tế cũng đang tập trung ngăn ngừa xuất hiện dịch bệnh sau bão do nguồn nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn.
Cùng ngày, một máy bay quân sự Venezuela chở 7,3 tấn hàng cứu trợ đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti tại thủ đô La Habana. Đây là chuyến hàng viện trợ nước ngoài đầu tiên đến Cuba sau bão Irma đổ bộ vào quốc đảo này cuối tuần qua. Số hàng viện trợ này bao gồm đệm, nước, thực phẩm đóng hộp.
Các chuyên gia cảnh báo chi phí tái thiết và việc mất đi nguồn thu từ ngành nông nghiệp và du lịch do bão sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đền nền kinh tế Cuba. Trong những năm qua, nền kinh tế Cuba đã nhận được hỗ trợ từ sự bùng nổ của ngành du lịch do quan hệ với phương Tây nồng ấm trở lại. Sau khi rơi vào suy thoái năm 2016, lượng du khách nước ngoài đến Cuba tăng 23% đã giúp nền kinh tế này tăng trưởng trở lại vào nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt hạn chế người Mỹ du lịch đến Cuba, chính sách không cấp phép cho ngành tư nhân của Cuba, hậu quả bão Irma đã phủ bóng đen lên viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay.
Trong khi đó, thiệt hại trong ngành nông nghiệp cũng tác động lên ngân sách nhà nước lẫn nguồn cung thực phẩm của Cuba trong ngắn hạn với 40% nhà máy nông nghiệp bị hư hại do bão Irma. Sản lượng lương thực và thu nhập người dân bị giảm mạnh do một số khu vực trước đó đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán này lại bị bão tàn phá. Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất Cuba về lao động và nguồn thu từ xuất khẩu./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()