Cuba ghi nhận kết quả bước đầu từ cải cách kinh tế năm 2013
Năm 2013, Cuba đã bắt đầu chứng kiến những kết quả bước đầu của chương trình cập nhật mô hình kinh tế và xã hội dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Năm 2013, Cuba đã bắt đầu chứng kiến những kết quả bước đầu của chương trình cập nhật mô hình kinh tế và xã hội dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Cuba Raul Castro.
“Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến những kết quả đầu tiên rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế là còn một con đường dài và khó khăn trước mắt trong quá trình cập nhật mô hình kinh tế và xã hội của chúng ta”, Chủ tịch Cuba Raul Castro nói trong một phiên họp quốc hội đánh giá về những hiệu quả của chương trình cải cách kinh tế mà Cuba đang thực hiện.
Thông tin đáng chú ý nhất trong năm 2013 được đưa ra vào tháng 10, khi Chính phủ Cuba tuyên bố sẽ dần xóa bỏ hệ thống hai đồng tiền tại nước này.
“Tôi nghĩ đó sẽ là một bước tiến và một lực đẩy trực tiếp tác động đến tất cả những thay đổi cần thiết đang được thực thi”, Omar Everleny Perez, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Cuba của Havana, chia sẻ nhận định trên Xinhua.
Hiện tại, phần lớn người dân Cuba được trả lương bằng đồng peso Cuba (CUP) nhưng đa số hàng hóa tại quốc gia này được mua bán bằng đồng peso chuyển đổi (CUC). Đồng peso chuyển đổi có giá trị tương đương khoảng 4 cent Mỹ hay 25 CUP.
Hệ thống hai đồng tiền lần đầu tiên được đưa ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế Cuba vào những năm 1990 để giúp phục hồi nền kinh tế, nhưng cuối cùng nó dẫn đến “sự méo mó” trong hoạt động kinh doanh và ngay cả trong cuộc sống của người dân.
Một bước đi đáng chú khác của Chính phủ Cuba trong năm 2013 là thông qua hoạt động của đặc khu phát triển tại cảng Mariel (SDZ) vào tháng 9, đây được xem là dự án phát triển lớn nhất của Cuba cho đến hiện tại được thiết lập để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Cuba. Chủ tịch Castro hy vọng khu vực cảng nước sâu này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bằng việc thu hút đầu tư, tạo ra các mặt hàng xuất khẩu, việc làm và chuyển giao công nghệ cũng như thu hút các công ty nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong năm 2013 một số hợp tác xã phi nông nghiệp đã được thành lập và mở rộng tại Cuba bao gồm khoảng 200 hoạt động kinh tế khác nhau. Những hợp tác xã này, được phép bán bất cứ hàng hóa hay dịch vụ nào dôi ra sau khi cung cấp cho chính phủ, hiện đang triển khai hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, xây dựng; tái chế, chế biến và bán các nguyên liệu thô.
Cuba cũng đã chính thức đưa ra xem xét và thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Lao động của nước này vào tháng 6-2013 nhằm mở rộng quản lý và bảo vệ quyền lợi cho lực lượng lao động trong khu vực tư nhân đang ngày càng phát triển trên đảo quốc này. Khoảng 3,5 triệu lao động ở cả khu vực công và tư nhân đã tham gia thảo luận công khai về bộ luật mới này để thay thế bộ luật được thông qua từ năm 1984.
Luật Di trú mới của Cuba chính thức có hiệu lực hồi tháng 1-2013 đã xóa bỏ hai thủ tục di trú bắt buộc là giấy phép xuất cảnh và thư mời được đưa ra tại các lãnh sự quán Cuba ở nước ngoài. Luật Di trú mới này giúp đơn giản hóa thủ tục di trú và cho phép cắt giảm số lượng công chức trong lĩnh vực này. Hiện nay, người dân Cuba chỉ cần có một hộ chiếu hợp lệ và một visa do nước đến cấp để có thể ra nước ngoài.
Ngoài ra, những quy định mới, được thông qua bởi các Bộ Nông nghiệp, Du lịch, Tài chính và Giá cả Cuba chính thức có hiệu lực vào tháng 10-2013, cho phép các nhà sản xuất nông nghiệp bán sản phẩm của mình trực tiếp cho hãng kinh doanh du lịch, thay vì phải thông qua các hợp tác xã như trước kia.
Theo Nhandan
Ý kiến ()