Cửa khẩu Bình Nghi: An toàn đường thủy còn bỏ ngỏ
(LSO) – Từ năm 2008 đến nay, hoạt động giao thương tại cửa khẩu Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định diễn ra sôi động. Cùng với đó, hoạt động vận tải hàng hóa qua cửa khẩu bằng đường thủy cũng phát triển. Tuy nhiên, việc trang bị những thiết bị và kỹ năng cơ bản trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cho các phương tiện, lái xuồng và các chủ xuồng tại xã Đào Viên còn bỏ ngỏ.
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định, hiện trên địa bàn xã Đào Viên có khoảng 40 xuồng máy, chuyên phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (XK) qua cửa khẩu Bình Nghi. Các xuồng hoạt động từ bến Nà Mằn đến điểm thông quan hàng hóa thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Pác Lạn, thôn Pác Lạn, xã Đào Viên trên đoạn sông Kỳ Cùng với chiều dài hơn 6 km. Năng lực vận tải mỗi xuồng giao động từ 10 đến 30 tấn, hành trình vận chuyển đa dạng, từ 2 đến 6 km cho mỗi chuyến hàng tùy theo yêu cầu của chủ hàng. Toàn bộ các xuồng đều do người dân tự mua sắt thép về lắp dựng, với chi phí từ 100 đến 120 triệu đồng/xuồng. Theo tìm hiểu, để vận chuyển một chuyến hàng XK, doanh nghiệp hoặc chủ hàng phải trả cho các chủ xuồng tiền vận chuyển từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chuyến tùy theo chiều dài hành trình, chưa bao gồm phí bốc vác.
Điều đáng ghi nhận là từ hoạt động của các xuồng, hàng trăm hộ dân các xã Đào Viên, Quốc Việt có thêm việc làm, thu nhập từ hoạt động bốc xếp hàng hóa từ các xe công-ten-nơ xuống các xuồng máy. Được biết, thu nhập mỗi ngày đạt từ 200 đến 220 nghìn đồng/người; lúc cao điểm đạt tới 400 nghìn đồng/người/ngày; số xuồng hoạt động tại bến Nà Mằn lên tới 100 xuồng chạy suốt ngày đêm.
Bốc xếp hàng hóa từ xe công-ten-nơ xuống xuồng máy để xuất khẩu qua cửa khẩu Bình Nghi
Mặc dù hoạt động của các xuồng vận tải đã phát huy hiệu quả kinh tế giúp cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn được thông suốt. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cho các phương tiện, chủ xuồng còn bỏ ngỏ. Theo tìm hiểu thực tế, các xuồng hoạt động tự phát và chỉ coi trọng mục tiêu kinh tế, 100% các xuồng đang hoạt động không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng phương tiện giao thông đường thủy. Việc trang bị thiết bị bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên các phương tiện hầu như không có gì, người lái xuồng cũng như chủ xuồng không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định…
Thượng tá Đỗ Thiện Giao, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Nghi cho biết: Từ khi hoạt động vận tải đường thủy phục vụ XNK qua cửa khẩu Bình Nghi phát triển đến nay, rất may là chưa có vụ tai nạn giao thông đường thủy nào xảy ra. Hiện tượng các phương tiện bị mắc cạn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường thủy có xảy ra nhưng thường được xử lý ngay. Hiện lực lượng biên phòng thường xuyên nhắc nhở các chủ xuồng khi vận chuyển hàng hóa phải bảo đảm ở mực nước mớm trên an toàn.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2017, tại cửa khẩu Bình Nghi các lực lượng chức năng làm thủ tục XK hàng hóa cho hơn 8.500 xe vận tải là công-ten-nơ, khối lượng hàng hóa XK là hơn 200 nghìn tấn; 8 tháng năm 2018, số lượng xe làm thủ tục XNK qua cửa khẩu Bình Nghi khoảng 4.000 xe công-ten-nơ. Toàn bộ hàng hóa XK qua cửa khẩu đều sử dụng phương tiện vận tải đường thủy để vận chuyển qua biên giới.
Để quản lý cũng như bảo đảm an toàn giao thông đối với các chủ xuồng tham gia vận tải hàng hóa XK bằng đường thủy tại cửa khẩu Bình Nghi, ông Lương Hồng Vinh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định kiến nghị: Trong điều kiện thực tế hoạt động của các chủ xuồng như hiện nay, ngành chức năng của tỉnh cần tổ chức kiểm định xem chất lượng xuồng có bảo đảm an toàn kỹ thuật không. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về vận tải đường thủy cho lái xuồng, chủ xuồng. Đồng thời, cần quy hoạch luồng, tuyến tại đoạn sông này để các phương tiện tham gia giao thông đường thủy đảm bảo an toàn.
Được biết, trước đây, Sở Giao thông – Vận tải đã mời Cục Đăng kiểm Bộ Giao thông – Vận tải cùng sở khảo sát và hỗ trợ địa phương quản lý số phương tiện này. Nhưng do ý thức của các chủ xuồng về vấn đề này còn hạn chế cộng với chi phí thiết kế lại các xuồng và thực hiện đăng kiểm phương tiện theo đúng quy định tốn kém nên vẫn chưa thực hiện được.
Đưa việc quản lý các phương tiện này theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy là hết sức quan trọng. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp hợp lý để quản lý và tạo điều kiện cho các chủ xuồng hoạt động đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()