Cửa hàng OCOP: Nơi quảng bá đặc sản Xứ Lạng
(LSO) – Tháng 10/2019, cửa hàng OCOP đầu tiên của Lạng Sơn được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đưa vào hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Đây là điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng – chất lượng của Lạng Sơn.
Ngày 13/8/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030” (OCOP). Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi huyện – xã theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại cửa hàng OCOP, 211 đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn
Hiện nay, nhiều huyện, xã của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa được đăng ký nhãn hiệu tập thể như: na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng Văn Lãng, thạch đen Tràng Định… Một số tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc trưng đã đăng ký thương hiệu, có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như: cao khô, bún ngô, mác ca, măng ớt, tinh dầu hồi, mật ong… Để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tháng 10/2019, cửa hàng OCOP đầu tiên của Lạng Sơn tại số nhà 211, đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đưa vào hoạt động theo hình thức xã hội hóa.
Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Cửa hàng đang trưng bày và bán hơn 100 sản phẩm của hơn 30 tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được cơ sở sản xuất đăng ký qua Phòng Kinh tế – Hạ tầng các huyện; sau khi kiểm định chất lượng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo đáp ứng đủ các quy định, sản phẩm sẽ được dán tem OCOP và bày bán theo mức giá đăng ký phù hợp.
Ngay từ khi hoạt động, gian hàng đã thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Thay vì phải đi tìm mua ở các cửa hàng, siêu thị hoặc phải đặt hàng tại các cơ sở sản xuất thì người dân khi có nhu cầu chỉ cần đến cửa hàng tại số 211 đường Trần Đăng Ninh thì có thể mua được hầu hết sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Bà Hoàng Thị Phơi, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Nhiều năm nay tôi ưa dùng những sản phẩm truyền thống của Lạng Sơn như: tinh dầu hồi, bánh chưng đen Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định… trước đây, tôi cứ phải nhờ con cháu tìm mua hộ vì ngoài 60 tuổi rồi ngại đi xa, nhưng từ khi cửa hàng OCOP khai trương tôi đến tham quan thấy có đủ cả, giờ đây cứ cần gì là tôi chỉ việc đạp xe vài phút đến cửa hàng, thấy rất tiện”.
Sản phẩm khi lên kệ hàng OCOP sẽ mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Ngoài việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại chỗ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã quảng bá, giới thiệu gian hàng cùng các sản phẩm trên website của đơn vị và website của Trung tâm Xúc tiến thương mại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, cơ sở kinh doanh đặc sản Hảo Thanh – đơn vị phối hợp đầu tư tài chính và quản lý hoạt động của gian hàng đã đầu tư giới thiệu gian hàng, sản phẩm trên mạng internet và fanpage https://facebook.com/hao.thanh.39. Bà Hoàng Thanh Hảo, quản lý cửa hàng OCOP cho biết: Cửa hàng đang hướng đến phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh để quảng bá và cung cấp sản phẩm. Mục tiêu xây dựng cửa hàng OCOP là một điểm đến trong các tour du lịch, tạo điều kiện để du khách tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của Xứ Lạng, qua đó quảng bá thương hiệu các sản phẩm một cách hiệu quả, thiết thực.
Cửa hàng OCOP đi vào hoạt động nằm trong chủ trương phát triển “mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh và bước đầu đã cho thấy hiệu quả, bình quân mỗi ngày có từ 30 đến 50 lượt khách tham quan, mua sắm, ngày nghỉ khoảng hơn 100 lượt khách. Trong đó có nhiều khách hàng đến mua “đặc sản Xứ Lạng” làm quà biếu gửi đi các tỉnh và có những sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng như thạch đen Tràng Định, từ khi khai trương đến nay đã tiêu thụ hơn 1.000 hộp.
Tuy nhiên, qua ý kiến của khách hàng, để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm, cần khắc phục một số hạn chế như: khâu đóng bao bì sản phẩm còn sơ sài (hộp không có màng bọc bạc, không có hút ẩm hoặc hút chân không), tem nhãn chưa ấn tượng… Đồng thời, cần thiết có thêm các điểm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP nữa trên bịa bàn tỉnh để góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ý kiến ()