Cử tuyển và tuyển dụng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số: Đòi hỏi sát thực tiễn
– Hiện nay, bên cạnh hiệu quả mang lại trong đào tạo nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chính sách cử tuyển học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số bất cập giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến sinh viên cử tuyển sau đào tạo chưa có việc làm…
Hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập
Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 49/2015/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển học sinh DTTS. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Lạng Sơn đã có 143 học sinh người DTTS được cử tuyển đi học tại các cơ sở đào tạo trong nước và có 231 sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp hệ cao đẳng, đại học ra trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện cho thấy, chính sách này đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là số lượng và ngành nghề đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Ngành nghề cử tuyển hằng năm tập trung vào một số ngành: nông – lâm nghiệp, luật, kinh tế, sư phạm và khối xã hội dẫn đến số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường ở các ngành này nhiều. Trong khi đó, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, kinh tế quốc dân, xây dựng… thì lại có ít sinh viên cử tuyển ra trường…
Học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nghiên cứu tài liệu tại thư viện trường
Ngoài ra, quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với hệ cử tuyển vấp phải sự chồng chéo giữa các quy định. Cụ thể, theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức lại quy định việc tuyển dụng phải thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển buộc sinh viên cử tuyển ra trường phải thi công chức chứ không được bố trí việc làm ngay.
Bà Hoàng Thị Như Thảo, Trưởng Phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ cho biết: Một khó khăn, bất cập khi thực hiện chính sách là nhiều trường hợp sinh viên cử tuyển ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu vị trí công tác. Hơn nữa, những năm qua, chính sách tinh giản biên chế dẫn đến chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm rất ít khiến tỷ lệ sinh viên cử tuyển được tuyển dụng làm công chức, viên chức thấp. Từ những bất cập trên nên từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ bố trí, tuyển dụng vào vị trí việc làm được 84/231 sinh viên cử tuyển ra trường (đạt 36,4%), hiện tại còn 147 sinh viên chưa có việc làm (chiếm 63,6%).
Nâng cao chất lượng chính sách cử tuyển
Trước những bất cập trên, những năm qua, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế này. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS như quy định về tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển; xét tuyển, bố trí việc làm… đối với người học cử tuyển và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển.
Học sinh dân tộc thiểu số Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cao Lộc trong giờ sinh hoạt tại trường
Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Để thực hiện kịp thời, hiệu quả quy định mới này, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 10/HD-UBND ngày 18/3/2021 về thực hiện Nghị định 141/2020/NĐ-CP. Tin chắc rằng với quy định mới này và sự hướng dẫn chi tiết, sát thực tế thì việc cử tuyển, tuyển dụng học sinh, sinh viên người DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn.
Qua đây có thể thấy, để học sinh, sinh viên người DTTS diện cử tuyển sau khi ra trường đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng vị trí việc làm; tránh lãng phí và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS trên địa bàn tỉnh thì cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, các cấp, ngành liên quan tại cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp trong thực tiễn. Cụ thể, phải xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chặt chẽ, chỉ cử đi học những chuyên ngành tại địa phương còn thiếu, có cơ chế cam kết bố trí việc làm đối với người được cử đi học sau khi tốt nghiệp; đào tạo cử tuyển phải gắn với quy hoạch nguồn nhân lực. Người được cử tuyển cần lựa chọn kỹ lưỡng nhu cầu đào tạo, tuyển dụng; bám sát định hướng học và bố trí việc làm của cấp, ngành địa phương…
Ý kiến ()