Cử tri và việc lập, niêm yết danh sách cử tri
Cử tri là người được quyền bầu cử; công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú; đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đều có quyền bầu cử. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Ủy ban Thường vụ QH ấn định, đó là ngày 22-5-2011. Trường hợp không có giấy khai sinh thì căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử.Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm sau. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không...
Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm sau. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 1-1 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử.
Danh sách cử tri là cơ sở pháp lý để cử tri nhận thẻ cử tri, thực hiện quyền bầu cử của mình. Trong thời gian lập danh sách cử tri, công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri. Vì vậy, pháp luật về bầu cử quy định rất chặt chẽ về việc lập danh sách cử tri. Theo đó, mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi mình thường trú hoặc cư trú. Quy định như vậy nhằm bảo đảm để tất cả các cử tri đều được thực hiện quyền bầu cử. Mặt khác, nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong bầu cử. Không ai có thể đi bỏ phiếu ở nhiều nơi.
Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ mười tám tuổi trở lên, đang cư trú tại nơi mình có hộ khẩu thường trú và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký thường trú và bầu cử đại biểu QH, bầu cử đại biểu HĐND tại nơi đó.
Trong thời hạn lập danh sách cử tri, những người chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử. Trường hợp người tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi lao động, làm ăn hoặc vì lý do khác, nếu đã đăng ký tạm trú từ sáu tháng trở lên ở nơi cư trú mới thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại địa phương nơi cư trú mới để thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp người tạm vắng khỏi nơi cư trú để đi thăm người thân, đi du lịch hoặc vì lý do khác thì ghi tên vào danh sách cử tri nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện quyền bầu cử.
Sinh viên, học sinh, học viên có hộ khẩu tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử. Quân nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương (gần nơi đóng quân) có thể được thủ trưởng đơn vị cấp giấy chứng nhận để ghi tên vào danh sách cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử ở nơi cư trú.
Kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu, cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm công, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình thẻ cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân xã) nơi cư trú cấp hoặc giấy chứng nhận 'đi bỏ phiếu nơi khác' do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp tại Ủy ban nhân dân xã nơi mới đến để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi đó. Nếu họ chưa có thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận 'đi bỏ phiếu nơi khác' thì Ủy ban nhân dân xã phải yêu cầu những người này liên hệ với Ủy ban nhân dân xã hoặc chỉ huy đơn vị nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận 'đi bỏ phiếu nơi khác' để được bầu cử ở nơi mới đến.
Công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được công bố đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ, thì đến Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri.
Chậm nhất là ba mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, chỉ huy đơn vị ở các đơn vị vũ trang nhân dân phải niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi việc niêm yết để nhân dân, người của đơn vị vũ trang nhân dân kiểm tra danh sách cử tri.
Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn hai mươi lăm ngày kể từ ngày niêm yết, mọi người có quyền khiếu nại bằng miệng hoặc bằng văn bản tới cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải tiếp nhận và ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết của cơ quan lập danh sách cử tri thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được khiếu kiện, Tòa án phải giải quyết xong. Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng.
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân phải ghi ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri 'Đi bỏ phiếu nơi khác'.
Pháp luật về bầu cử cũng quy định những người không được ghi tên vào danh sách cử tri là: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.
Người đang bị tạm giam nói trên là những bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự tuy chưa phải là những người bị Tòa án kết án nhưng do tính chất của vụ án hình sự và theo những căn cứ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thì họ bị hạn chế quyền tự do để điều tra, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án phạt tù.
Những người mà cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Mặt khác, người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam, bị tuyên bố mất tích hoặc bị chết, bị mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã đã lập danh sách cử tri để xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Theo Nhandan
Ý kiến ()