Cử tri và nhân dân phấn khởi trước những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội
Cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng; hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước…
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, chiều 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2022.
Báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng; hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hoá với thế giới và có mức thặng dư tích cực; quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ để thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công…
Cử tri cũng đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ tư về 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực: Xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra, và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân bày tỏ lo lắng về: Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình hình mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền Trung; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn; tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…
Theo ông Dương Thanh Bình, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.484 kiến nghị của cử tri do các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong 2 tháng, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 461 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba. Như vậy, tính đến nay, đã có 2.632 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba đã được giải quyết, trả lời. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.
Ban Dân nguyện đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện háng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện theo đúng thời hạn để Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023, trong đó có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện.
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân;
Quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; có chính sách, biện pháp phù hợp để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh quy định (nếu có) trong việc đấu thầu cung cấp thuốc và vật tư y tế nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân;…
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()