Cử tri kiến nghị giải quyết căn cơ bài toán “được mùa mất giá”
Sáng 23/4, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII tại trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân với cử tri tại buổi tiếp xúc. (Ảnh:TH) |
Tại buổi tiếp xúc, đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Giang đã thông báo với cử tri dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới. Trong kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 11 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 15 dự án luật.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, một số cử tri lo lắng, bức xúc trước việc tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn đang trong tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Các cử tri cho rằng, bài toán tiêu thụ nông sản đang là nỗi lo của toàn xã hội. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp để giải bài toán này một cách căn cơ, lâu dài.
Liên quan đến việc Việt Nam trung bình xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực, nhưng tại một số nơi người dân vẫn thiếu gạo ăn, nhất là bà con ở vùng rừng đầu nguồn, cử tri lo ngại người dân có thể liên kết với lâm tặc phá rừng mưu sinh. Cử tri nêu có nên giảm lượng gạo xuất khẩu để hỗ trợ bà con các vùng này, hạn chế phá rừng.
Liên quan đến việc mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 2 triệu tấn đỗ tương, 1 triệu tấn ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, cử tri nêu có nên giảm diện tích trồng lúa để tăng diện tích trồng ngô, đỗ tương, tránh phải nhập khẩu nguyên liệu làm tăng giá thức ăn chăn nuôi. Cử tri kiến nghị Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản để thuận lợi trong tiêu thụ cho bà con nông dân.
Đối với công tác đào tạo giáo dục, cử tri cho rằng, chất lượng giáo dục đào tạo được xã hội quan tâm. Nhà nước đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên vấn đề đào tạo đang mất cân đối với vấn đề việc làm vì hiện nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Nguyên nhân là do các trường đại học hiện chỉ đào tạo cái mình có chứ chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường. Cử tri đề nghị nhà nước và các bộ, ngành liên quan có chính sách để thúc đẩy mối liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp…
Ngoài ra, cử tri có ý kiến về việc có chính sách đối với sinh viên được đào tạo theo chế độ cử tuyển sau khi ra trường; vấn đề liên quan đến nghĩa vụ quân sự để tăng tiềm lực quốc gia; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu công nghiệp…
Thay mặt đoàn Đại biểu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao và trân trọng tiếp thu các ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng trao đổi nhiều vấn đề cụ thể mà cử tri quan tâm.
Đề cập đến thực tế của tiêu thụ nông sản hiện nay vẫn là “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nông nghiệp Việt Nam năng suất cao, nhiều mặt hàng nông sản tốt, một số mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như gạo, tiêu… nhưng thu nhập thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất lạc hậu, vẫn sản xuất theo hộ nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từng hộ sản xuất thì không thể có sản phẩm thương hiệu, không thể tạo nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp, vì thế chưa thể tạo thu nhập cao.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn: “Nếu vẫn độc quyền bán (nguyên liệu), độc quyền mua (đầu ra nông sản) thì người nông dân vẫn cứ mãi nghèo. Sản phẩm nông nghiệp năng suất cao nhưng nông dân vẫn nghèo là đặc trưng của Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, phải triển khai giải pháp hợp tác trong nông nghiệp để hướng đến giá trị chuỗi. Phải điều chỉnh lại phương thức sản xuất nông nghiệp. Phương thức sản xuất hộ không còn phù hợp với kinh tế thị trường”.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc. (Ảnh: TH) |
Trao đổi với cử tri liên quan đến việc Việt Nam trung bình xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực, nhưng tại một số nơi người dân vẫn thiếu gạo ăn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, một đất nước xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực mà có nơi dân người dân vẫn không đủ gạo ăn là vô lý. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này, trong đó có việc hỗ trợ gạo ăn đầy đủ cho học sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Liên quan đến vấn đề Việt Nam một mặt lo xuất khẩu gạo, nhưng mặt khác vẫn nhập đỗ tương, ngô, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là quyền của doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên nếu sản phẩm trong nước bảo đảm chất lượng, giá rẻ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ mua trong nước. Do đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các nhà khoa học nông nghiệp phải khảo sát, nghiên cứu, chung tay giải quyết.
Đề cập đến vấn đề đào tạo đang mất cân đối với vấn đề việc làm, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây là nỗi trăn trở của Chính phủ. Từ năm 2008, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển sang đào tạo cái thị trường cần chứ không đào tạo cái các trường có, tức là phải tăng chất lượng đào tạo. Hiện các trường đã có liên kết đào tạo đại học với từng ngành, chuyển sang đào tạo theo nhu cầu. “Thay vì đào tạo theo chương trình khung thì nay các trường phải đào tạo theo chuẩn đầu ra. Tức là trách nhiệm của các trường rất lớn. Khi xây dựng chuẩn đầu ra phải có ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, đề tài tốt nghiệp phải gắn với thực tiễn. Ngoài ra, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường và coi đó là trách nhiệm đối với xã hội.
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và các Đại biểu Quốc hội cũng giải trình một số vấn đề cụ thể; đồng thời khẳng định, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang sẽ tập hợp, phân loại ý kiến của cử tri để tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()