Cử tri Cô-lôm-bi-a bác bỏ thỏa thuận hòa bình
Theo Roi-tơ, ngày 2-10, Cơ quan Thống kê Cô-lôm-bi-a cho biết, với 99,59% phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra cùng ngày, 50,23% số cử tri nước này đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới được ký kết giữa Chính phủ của Tổng thống H.Xan-tốt và Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC).
Số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%. Ðây là kết quả hoàn toàn bất ngờ với người dân Cô-lôm-bi-a và cộng đồng quốc tế. Trước đó, ngày 26-9 vừa qua, sau bốn năm kiên trì đàm phán, Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, đã ký thỏa thuận hòa bình
* Ngày 3-10, Tổng thống H.Xan-tốt xác nhận cử tri nước này đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình mà Chính phủ Cô-lôm-bi-a ký với FARC, song ông cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực để làm sống lại thỏa thuận hòa bình này nhằm giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài 52 năm qua. Phát biểu ý kiến trên truyền hình, Tổng thống Xan-tốt tuyên bố sẽ không từ bỏ và tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới “ngày cuối cùng của nhiệm kỳ”.
* Phản ứng về kết quả cuộc trưng cầu ý dân nêu trên, tổ chức Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai Cô-lôm-bi-a, đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục đấu tranh vì hòa bình. Trong khi đó, thủ lĩnh FARC T.Hi-mê-nết bày tỏ lấy làm tiếc về kết quả trưng cầu ý dân về thỏa thuận hòa bình. Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp, ông Hi-mê-nết tái khẳng định thiện chí hòa bình và giải giáp vũ khí của FARC. Ông cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Cô-lôm-bi-a, bất chấp thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu ý dân.
* Những người dân Cô-lôm-bi-a ủng hộ thỏa thuận hòa bình cũng bày tỏ sự thất vọng với kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ, FARC và các bên trung gian hòa giải gần bốn năm qua để chấm dứt chiến tranh ở Cô-lôm-bi-a dường như trở nên vô nghĩa với kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự kiến này. Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Cô-lôm-bi-a đã làm 260.000 người chết, 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()