Cụ thể hóa chính sách bình đẳng giới bằng hành động, tư duy và ứng xử hàng ngày
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Ban Công tác đại biểu và Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa XV đã tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ xưa đến nay, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi đâu, phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao những phẩm chất cao đẹp. Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng-Bất Khuất-Trung hậu-Đảm đang”. Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ Việt Nam không chỉ phát huy những phẩm chất truyền thống mà còn làm dày thêm những phẩm chất, chuẩn mực của phụ nữ thời đại mới như “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, từ đó, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng ghi nhận, đánh giá rất cao và biểu dương những đóng góp to lớn của các nữ đại biểu Quốc hội, các nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội vào thành tựu chung của Quốc hội thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội Khóa XV rất tự hào khi là nhiệm kỳ có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất trong 10 Khóa gần đây. Trong đó có 11 nữ đại biểu Quốc hội tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 nữ đại biểu tham gia Ban Bí thư, 1 nữ đại biểu tham gia Bộ Chính trị, 3 nữ đại biểu là Bí thư Tỉnh ủy, có 3 nữ đại biểu là thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 nữ đại biểu là Phó Chủ tịch Nước; 2 nữ đại biểu là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Có những nữ đại biểu đã có tới 5-6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội. Các nữ đại biểu Quốc hội đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong hoạt động của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực.
Ghi nhận đề xuất của các nữ đại biểu Quốc hội, nữ cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và công tác phụ nữ. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 11/NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Chúng ta cũng có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác bình đẳng giới ở nước ta đang được thực hiện tốt, nhưng cũng còn những việc chưa được như mong muốn, mục tiêu đề ra.
Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ; tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
“Chúng ta phải tiếp tục xem xét, trong cách nghĩ, cách làm, trong tư duy, ứng xử hàng ngày và trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách dành cho phụ nữ bởi để hoàn thành trọng trách của một nữ đại biểu, một nữ cán bộ, công chức thì chị em phụ nữ phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Đây là việc rất hiện thực, rất thực tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan công tác quy hoạch cán bộ cho Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XVI, trong đó có công tác quy hoạch nữ đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, sau hai lần quy hoạch, Đảng đoàn Quốc hội cơ bản thực hiện tốt yêu cầu về quy hoạch nguồn cán bộ nữ.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sẽ cao hơn nữa với cơ cấu hợp lý hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các nữ đại biểu, nữ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời tin tưởng rằng, các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, nữ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đóng góp nhiều hơn nữa vào hoạt động của Quốc hội, cùng làm nên nhiều thành tựu to lớn để tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của Quốc hội.
Tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh vui mừng cho biết, tỷ lệ nữ tham chính trong nhiệm kỳ này đã tăng cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia Ban Bí thư đạt 18,2%; tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đạt 10,6%.
Đối với các cơ quan dân cử, lần thứ hai trong 15 khóa Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tăng ở cả ba cấp, cụ thể cấp tỉnh đạt 29%, cấp huyện đạt 29,1%; cấp xã đạt 28,5%.
Đối với cấp tỉnh, giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 20,97%; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 29,2%.
Ở Quốc hội, hầu hết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đều có lãnh đạo là nữ.
Với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân nói chung, nói lên tiếng nói của phụ nữ nói riêng, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham chính tại các cơ quan dân cử và giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt vừa là yêu cầu cần thiết vừa là yếu tố thuận lợi nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cũng như tăng cường tính đại diện của nữ giới để đưa ra các quyết sách có ảnh hưởng đến xã hội.
Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết: Khi được cử tri, nhân dân tín nhiệm lựa chọn để làm đại biểu dân cử, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nữ đại biểu luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong từng lời nói, hành động, các nữ đại biểu luôn ý thức về vai trò là của người đại biểu của nhân dân, người truyền cảm hứng, tạo động lực để góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của cử tri và nhân dân về bình đẳng giới.
Thực tiễn hoạt động Quốc hội thời gian qua cho thấy, vai trò của các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đã được khẳng định trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ý kiến ()