tle=”Cù Lao Chàm, khởi sắc từ du lịch cộng đồng”> Du khách thích thú cùng làm đồ ăn với người dân. – Hơn năm năm, từ khi đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) được áp dụng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng (Homestay), gánh nặng phải luôn bám biển cả vào mùa biển động để mưu sinh đã vơi nhẹ bớt trong mỗi gia đình các ngư dân nơi đây.
Đến nay, đã có 35% gia đình tham gia dịch vụ Homestay (hơn 40 hộ), hơn 50% phụ nữ trên đảo được chuyển đổi nghề. Những người mẹ, người vợ giờ đã yên tâm hơn khi không phải theo chồng đánh bắt hải sản từ hai – ba giờ sáng, lênh đênh trên biển, có thể chăm sóc con cái mà vẫn có thu nhập cho gia đình. Trung bình, mỗi hộ gia đình thu nhập trong mùa du lịch khoảng từ ba đến năm triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Đông (thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp) cho biết: “Từ lúc đăng ký tham gia làm du lịch, tôi không còn ra biển đánh bắt cá. Không còn lo lắng trước mùa mưa bão khi không thu hoạch được gì, lại còn có nhiều thời gian hơn cho gia đình mình”.
Đảo Cù Lao Chàm nằm trong quần thể của TP Hội An với tám đảo nhỏ, 2.700 dân. Trước đây, khoảng 80% người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Với lượng tài nguyên biển phong phú, dồi dào như có 200 loài san hô, trong đó có sáu họ san hô nằm trong sách Đỏ; cua Đá, ốc Vú nàng; và lượng tôm cá lớn… Những năm cao điểm, người dân có thể đánh bắt được 1.600 tấn hải sản. Tuy nhiên, do thuyền nhỏ cho nên người dân ở đây chỉ đánh bắt gần bờ. Trong vòng vài chục năm, lượng hải sản gần như cạn kiệt. Nhiều người dân còn lấy san hô để bán lên đất liền làm đá vôi. Thậm chí họ còn dùng mìn để đánh cá. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái môi trường biển ở đây.
Năm 2003, đảo Cù Lao Chàm được công nhận là Khu bảo tồn biển. Du lịch sinh thái trên đảo cũng bắt đầu được mở rộng. Nhằm bảo vệ lượng hải sản quý giá, bảo đảm việc đánh bắt của người dân đi vào nề nếp, không lộn xộn, tự do, cơ quan chức năng đã khoanh vùng ven bờ, cấm đánh bắt, khai thác hải sản. Người dân chỉ được đánh bắt ngoài khu vực đó.
Tuy nhiên, việc cấm đánh bắt làm cho thu nhập của ngư dân bị hạn chế, mỗi năm chỉ từ 600 đến 800 tấn hải sản, đời sống con người trở nên khó khăn hơn. Nhận thấy được điều đó, năm 2005, mô hình Du lịch sinh thái cộng đồng (Homestay), tức là mô hình gắn kết với sự tham gia của người dân làm du lịch được đề xuất và áp dụng vào những ngư dân ở đảo. Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Trần Thị Hồng Thúy cho biết: “Lúc đầu thực hiện, mọi thứ đều khó khăn, bởi người dân vẫn còn nhiều hoài nghi vào kết quả thu được, cho nên số gia đình tham gia rất ít. Chúng tôi lựa chọn những hộ đủ tiêu chí để làm du lịch, ưu tiên cho những hộ bị ảnh hưởng bởi chương trình bảo tồn biển. Những người được chọn hoặc tham gia sẽ được đi học một khóa tập huấn về phục vụ buồng phòng, hoạt động du lịch, nấu ăn, giao tiếp… Sau đó, họ sẽ được cấp một phần chi phí để xây nhà với những phòng nhỏ để du khách có thể ngủ nhờ lại, được cấp đệm, phương kế để hoạt động…”.
Từ thành công của những hộ gia đình đầu tiên, nhiều gia đình khác đã tự nguyện tham gia. Đặc biệt, ngoài việc làm du lịch Homestay, các chị em phụ nữ còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề khác như buôn bán hàng lưu niệm cho khách ở chợ, nấu ăn tại các nhà hàng, hướng dẫn du lịch… Du khách đến với đảo luôn có được cảm giác thân thiện giữa con người với nhau. Thống kê của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, năm 2003, lượng khách du lịch đến đảo là 5000 người, đến năm 2011 đã tăng lên 79 000 người. Từ khi chuyển qua làm du lịch, lượng dân đánh bắt hải sản đã giảm đi, đồng nghĩa với việc các loài động vật biển quý giá được bảo vệ. Đặc biệt là việc phân vùng cấm đánh bắt nhằm bảo vệ các sinh vật biển, giúp cho các sinh vật phát triển mạnh hơn. Có thể cảm nhận được sự thú vị trong nhận xét của chị Leony Aurora, một du khách đến từ Indonesia: “Con người trên đảo rất chan hòa, chúng tôi được ngủ, ăn cơm chung với gia đình người dân và chúng tôi được xem như người nhà”.
Ngư dân nơi đây phần nhiều rất hồ hởi với mô hình du lịch mới. Chị Phạm Thị Hòa, 32 tuổi, bán hải sản khô cho du khách ở chợ nói: “Năm năm nay, từ khi chuyển đổi nghề, cuộc sống gia đình đã đỡ bấp bênh, nguồn thu nhập ổn định, con cái cũng yên tâm học hành. Tôi còn hiểu thêm về tầm quan trọng của bảo vệ biển”. Trên đảo còn thành lập một đội Tuần tra, giám sát bảo tồn biển với bảy thành viên, là những người dân trước đây làm ngư dân, nay chuyển qua bảo vệ biển. Đội chuyên giám sát mọi hoạt động, nhằm bảo vệ biển, sinh vật biển và truyền thông về bảo vệ môi trường cho người dân.
Nhờ homestay, Cù Lao Chàm ngày càng trở thành vùng biển đảo thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Tại bến đón khách ở Thôn bãi Làng, du khách đều nhìn thấy là bảng hiệu: Không sử dụng túi ni lông. Người dân chỉ dùng lá khô, giấy báo và túi cói để đi chợ, gói hàng cho khách… Mọi người đều hạn chế dùng túi ni lông một cách tối đa nhất.
Ngoài túi ni lông, việc xây dựng hầm Biogas nhằm tiết kiệm nhiên liệu cũng là một điều đặc biệt ở đây. Tuy số lượng hầm chưa nhiều, nhưng nó đã phần nào giúp cho các gia đình giảm bớt chi phí tiêu dùng. Và trong tương lai, số lượng hầm Biogas sẽ tăng nhiều hơn nữa. Việc sử dụng hầm Biogas không chỉ giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi, chất thải hữu cơ tại Cù Lao Chàm, mà còn tạo chất đốt sạch cho nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường càng thêm xanh – sạch – đẹp. Mặt khác, còn góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Nhờ thế, hằng năm, người dân Cù Lao Chàm tiết kiệm được một khoản tiền chất đốt không nhỏ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề không phải là không tồn lưu một số vướng mắc. Trước đây, người dân sống hòa thuận, cùng làm, cùng giúp nhau con cá, ít tôm… nhưng từ lúc có thu nhập bằng hoạt động du lịch lại có một vài mâu thuẫn giữa những người được ưu tiên chuyển đổi với những gia đình chưa thể triển khai theo mô hình này.
Giữa những hộ gia đình cùng làm nghề du lịch sinh thái cộng đồng lại cạnh tranh khách với nhau. Tuy chưa bộc lộ mạnh mẽ nhưng tình làng nghĩa xóm do vậy đôi khi bị rạn nứt giữa đời thường. Mặc dù đây là một mô hình du lịch mới, tương đối độc đáo; nhưng có lẽ khó nhân rộng ra các địa bàn khác. Lợi thế của Cù Lao Chàm là cư dân sống tập trung, gắn liền với vùng nội thủy giàu tiềm năng sản vật và sinh vật biển, lại không bị những nhân tố tác động xấu khác về mặt xã hội. Rất hiếm các đảo, quần đảo gần bờ có được những lợi thế tương tự.
Việc chuyển đổi nghề cho người dân ở đảo Cù Lao Chàm đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Không chỉ giúp cho con người có thu nhập ổn định mà còn nâng cao nhận thức dân trí, bảo vệ tài nguyên biển quý giá. Bây giờ, du khách không chỉ biết đến Cù Lao Chàm là một Khu bảo tồn biển phong phú, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, mà đến với Cù Lao Chàm, du khách còn cảm nhận được sự thanh bình, cộng hưởng giữa con người với con người.
Theo Nhandan
Ý kiến ()