Cú huých cho giáo dục chuyển mình
Giai đoạn 2016 – 2020 ngành giáo dục thực hiện nhiều định hướng, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) của Ðảng và Nhà nước. Ðể triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, từ năm 2016, Bộ GD và ÐT đã phát động phong trào thi đua “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Bộ GD và ÐT, trên nền phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” đã được triển khai từ lâu, bắt đầu từ năm 2016 đến nay, ngành Giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học” thông qua việc cụ thể hóa thành chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện. Phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới tiêu biểu trong dạy và học được nhân rộng, lan tỏa, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Ðiển hình như các sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa với sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; Sở GD và ÐT Yên Bái triển khai các mô hình: “Dạy học gắn với thực tiễn”; “Ðổi mới, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học”…
Kết quả quá trình thi đua đổi mới, sáng tạo thúc đẩy chất lượng giáo dục ngày càng đạt được kết quả tích cực. Trong đó, giáo dục mầm non có nhiều đổi mới, đạt chuẩn phổ cập cho trẻ năm tuổi. Việc đổi mới, sáng tạo được thực hiện với nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đã được triển khai ở các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua các trò chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân. Môi trường giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng. Việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non đã giúp trẻ tự tin, chủ động trong giao tiếp và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục.
Ðối với giáo dục phổ thông, ngành giáo dục thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý, nội dung giảng dạy và kiến thức của học sinh toàn diện hơn và tiếp cận với phương pháp học tập mới. Nhiều cơ sở giáo dục đổi mới sinh hoạt chuyên môn và xây dựng kế hoạch nhà trường đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học và được thể hiện qua các bài giảng đến học sinh. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ và tin học. Kết quả đánh giá PISA và các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF), học sinh Việt Nam được đánh giá cao. Qua kết quả đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông ở nước ta vượt mức trung bình của các nước khối OECD và luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích thi Ô-lim-pích quốc tế. Ðáng chú ý, Bộ GD và ÐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Ðây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp, lớp học theo hướng bảo đảm nội dung tinh gọn, giảm số môn bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn, xây dựng một số môn tích hợp. Chương trình mới mang tính mở, có thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương, giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tiễn.
Cùng với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, phong trào thi đua đổi mới sáng tạo cũng lan tỏa trong giáo dục đại học, tạo những bước tiến quan trọng. Quá trình đào tạo đại học được gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục đại học chủ động phối hợp các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp, các địa phương trong việc triển khai công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp để hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Theo kết quả xếp hạng các đại học năm 2020 của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới về thành tựu học thuật, Việt Nam có 11 nhóm ngành thuộc top 1.000 thế giới; kết quả xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 do Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) nước Anh công bố, Việt Nam có bảy trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng; bảng xếp hạng Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (CSIC – Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) công bố tháng 1-2020, Việt Nam có 172 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng… Những năm gần đây, công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh, riêng năm 2019 công bố ISI cả nước đạt 7.705 bài, tăng gần 30% so với năm 2018 (5.927 bài), trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học công bố đạt 85% của cả nước.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Phạm Ngọc Thưởng, quá trình triển khai thi đua đổi mới, sáng tạo những năm qua, cấp ủy, người đứng đầu các cơ sở GD và ÐT đã đề cao ý thức trách nhiệm, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn, từng năm học và được cụ thể hóa cho phù hợp chuyên môn mỗi cấp học, bậc học và ngành học; đồng thời gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động của ngành. Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT của Ðảng và Nhà nước.
Ý kiến ()