Cú hích phát triển công nghiệp điện ảnh qua các kỳ liên hoan phim
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23-Giải thưởng Bông sen Vàng, diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 21 đến 25-11-2023, được đánh giá có nhiều dấu ấn với sự ra quân rầm rộ của điện ảnh, nhiều tác phẩm của các thế hệ làm điện ảnh cùng hội tụ. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo LHP Việt Nam cho biết, với thông điệp xuyên suốt về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn, chuỗi hoạt động phong phú tại LHP kỳ vọng góp phần tạo nên cú hích mạnh mẽ để phát triển công nghiệp điện ảnh.
Hứa hẹn những bứt phá mới
Phóng viên (PV): Có thể nói, LHP năm nay có số lượng phim tham gia khá lớn ở các thể loại. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nghệ thuật cũng như sức hút của LHP khi có nhiều phim từ các đơn vị công lập và ngoài công lập tham gia?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: LHP Việt Nam lần thứ 23 là kỳ LHP có số lượng phim đăng ký tham gia lớn nhất, thể loại phim phong phú, hấp dẫn. Đăng ký tham dự ở các hạng mục có 31 phim truyện điện ảnh, 82 phim tài liệu, 23 phim khoa học, 43 phim hoạt hình. BTC đã lập Hội đồng để tuyển chọn phim vào Chương trình phim dự thi 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình. Chương trình phim toàn cảnh gồm 14 phim truyện, 20 phim tài liệu, 4 phim khoa học, 18 phim hoạt hình.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. Ảnh: TRẦN HUẤN
Nhìn vào danh sách phim dự thi năm nay có thể thấy sức hút của LHP với các thế hệ làm điện ảnh nước nhà. Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Nhật Minh ở tuổi 85 vẫn có “Hoa nhài” tham dự; hoặc bộ phim thử nghiệm “9” của 9 tác giả trẻ tuổi là những sinh viên đến từ Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội… Đáng mừng là những bộ phim Nhà nước đặt hàng gần đây đều có mặt ở các hạng mục phim dự thi và chương trình chiếu phim toàn cảnh, với hai tên phim mới tham gia dự thi là “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ”; hai phim chiếu toàn cảnh là “Phượng cháy” và “Phơi sáng”. Hàng chục bộ phim tư nhân đầu tư sản xuất, với nhiều tên phim nổi bật như “Nhà bà Nữ”, “Em và Trịnh”, “Tro tàn rực rỡ”… hứa hẹn tăng thêm kịch tính của cuộc đua giành Bông sen Vàng.
Công chúng yêu điện ảnh có cơ hội gặp gỡ những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam như: NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, NSND Như Quỳnh cùng các thế hệ làm điện ảnh đang tiếp tục góp vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà, như: Victor Vũ, Ninh Dương Lan Ngọc, Kaity Nguyễn…
PV: Chắc hẳn cuộc ra quân ấn tượng này sẽ mang đến những bứt phá mới cho loại hình nghệ thuật thứ 7 đầy hấp dẫn, thưa ông?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: LHP Việt Nam lần thứ 23 lần đầu tiên đã đến với Đà Lạt-thành phố sáng tạo về âm nhạc (vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận)-phim trường của nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên và con người, Đà Lạt vốn đã có sức thu hút lớn đối với các nhà làm phim; điện ảnh Việt Nam cũng đã có nhiều tác phẩm có bối cảnh đặc sắc ở Đà Lạt như: “Mối tình đầu”, “Chuyện tình trong ngõ hẹp”, “Em và Trịnh”, “Tháng năm rực rỡ”, “100 ngày bên em”… Lần này, khán giả yêu điện ảnh có cơ hội được sống trong bầu không khí sôi động của điện ảnh; được gặp gỡ, giao lưu với những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng tại xứ sở sương mù. LHP Việt Nam lần thứ 23 cũng còn là hoạt động thúc đẩy hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt nhân kỷ niệm 130 năm thành phố hình thành và phát triển.
Các nghệ sĩ điện ảnh trên thảm đỏ chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt. Ảnh: TRẦN HUẤN
Kể từ LHP Việt Nam lần thứ 22, ngành điện ảnh đã có những tín hiệu đáng mừng về số lượng phim và chất lượng phim. Với thông điệp xuyên suốt về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn, LHP Việt Nam lần thứ 23 tạo sức thu hút với du khách và công chúng yêu điện ảnh cả nước thông qua những hoạt động gắn kết điện ảnh-du lịch. Cùng với các hạng mục, giải thưởng chính của LHP, UBND tỉnh Lâm Đồng trao giải thưởng cho một phim mang tinh thần “Lâm Đồng-Cao nguyên hùng vĩ”, có bối cảnh quay tại Đà Lạt-Lâm Đồng.
Cú hích cho công nghiệp điện ảnh
PV: Điện ảnh được xác định là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim dường như đang gặp nhiều khó khăn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Luật Điện ảnh năm 2022 đã đưa vào khái niệm “công nghiệp điện ảnh”, đồng thời có nhiều điểm mới để đạt được mục tiêu cốt lõi là phát triển công nghiệp điện ảnh. Có thể nói đây là một trong những luật điện ảnh tiến bộ nhất trong nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới. Trong nhiều quy định mới, chúng ta thấy có những nội dung quan trọng về huy động nguồn lực phát triển điện ảnh; cập nhật những xu thế phát triển mới của điện ảnh thế giới và khu vực; những chính sách phát triển điện ảnh nói chung, công nghiệp điện ảnh nói riêng đã được thể chế qua những quy định pháp luật mới được bổ sung… Theo đó, trong quá trình thực thi luật và các văn bản pháp luật liên quan sẽ cố gắng tháo gỡ những điểm nghẽn, để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển điện ảnh Việt Nam thời gian tới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi điện ảnh là một trong những mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa, sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 đi vào cuộc sống, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Có thể thấy những điểm cần tập trung như hợp tác công, tư; huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực…
Cùng với đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim. Chẳng hạn như tại các kỳ LHP Việt Nam, kỳ vọng thúc đẩy sự gắn kết điện ảnh-du lịch, tạo cú hích mạnh mẽ cho công nghiệp điện ảnh cất cánh luôn là điều hướng đến của các nhà tổ chức. Thông qua các hội thảo, tọa đàm phạm vi trong nước và quốc tế, với những phân tích, giải pháp cụ thể, thiết thực, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim cũng sẽ có thêm nhiều thông tin tham khảo để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh; tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển.
PV: Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thường xuyên tham gia các LHP, hội chợ phim quốc tế và khu vực; tại các sự kiện điện ảnh quốc tế chưa có gian hàng giới thiệu về điện ảnh Việt Nam một cách bài bản, cung cấp thông tin về điện ảnh Việt Nam, bối cảnh làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác. Vấn đề này sẽ được thúc đẩy như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Phải thấy rằng, trong một thập kỷ nay, thị trường điện ảnh ở Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh trên thế giới với mức tăng khoảng 20% năm. Bằng nhiều con đường, chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới.
Luật Điện ảnh năm 2022 cũng có một chương mới về quảng bá và xúc tiến phát triển điện ảnh. Trong đó quy định: “Xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài”. Thương hiệu và thị trường thực sự là những yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp điện ảnh.
Trong thời gian tới, công tác quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong đó có việc đưa những bộ phim xuất sắc tham gia các LHP, sự kiện điện ảnh khu vực và quốc tế. Đặc biệt chú trọng hơn nữa các hoạt động xúc tiến, giới thiệu, mời chào những đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam chọn lựa bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, thúc đẩy chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… Chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy những nội dung này trong thời gian qua, thông qua các sự kiện điện ảnh có tầm vóc lớn như LHP Việt Nam, LHP quốc tế Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, mới đây là LHP châu Á Đà Nẵng (DANAFF) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chủ trì.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/cu-hich-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-qua-cac-ky-lien-hoan-phim-752771
Ý kiến ()