Cú hích khơi dậy năng lực tư duy, sáng tạo
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của Học viện Hậu cần, những năm gần đây, công tác phụ nữ (CTPN) và phong trào phụ nữ (PTPN) ở học viện đòi hỏi phải có những đổi mới, phát triển cả về mục tiêu, nội dung, phương thức, hình thức tổ chức hoạt động trong điều kiện mới.
Trước thực tế đó, 5 năm qua, CTPN và PTPN luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện được xác định cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị từng cơ quan, đơn vị theo phương châm “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực”; hướng trọng tâm vào đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH), xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật với yêu cầu ngày càng cao.
Hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần-Kỹ thuật (Học viện Hậu cần) pha chế dung dịch sát khuẩn tay phòng, chống dịch Covid- 19. Ảnh: BÙI DINH |
Các phong trào, mô hình, phần việc thi đua của tổ chức phụ nữ được triển khai cụ thể, thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng; góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Nhiều phong trào mang dấu ấn của phụ nữ học viện được tổ chức hiệu quả như: “Dạy tốt, học tốt”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; mô hình “Phụ nữ tiến quân vào khoa học, công nghệ”; ‘‘Giáo án hay, bài giảng tốt’’; “Bài giảng chưa hay, không ngừng tay bút”… Các phong trào, mô hình thi đua đã tạo cú hích quan trọng khơi dậy năng lực tư duy, sáng tạo của cán bộ, hội viên phụ nữ trên lĩnh vực đổi mới phương pháp dạy học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đáp ứng yêu cầu GD&ĐT của học viện, góp phần quan trọng thực hiện phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phong trào thi đua còn khuyến khích cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào NCKH; có điều kiện mở rộng kiến thức thực tiễn, xây dựng kho tư liệu đưa vào minh họa nâng cao chất lượng bài giảng, giờ giảng.
Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, dù chỉ chiếm 8,4% quân số đơn vị nhưng tỷ lệ phụ nữ có trình độ đại học, sau đại học, đảm nhiệm các chức vụ, chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong học viện không hề khiêm tốn: 28,21% cán bộ, hội viên phụ nữ có trình độ sau đại học, trong đó 5 đồng chí có học vị tiến sĩ, 1 đồng chí có học hàm phó giáo sư; 1 đồng chí tham gia Đảng ủy học viện, 7 đồng chí tham gia cấp ủy ở cơ sở, 6 đồng chí đảm nhiệm chức danh phó chủ nhiệm khoa, phó ban trực thuộc học viện…
Kết quả nêu trên có nguyên nhân căn cốt xuất phát từ việc Đảng ủy, Ban giám đốc học viện, cơ quan chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã xác định rõ những chủ trương sát, đúng của PTPN với đặc thù và thực tiễn tình hình đơn vị. Quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp, cơ quan chính trị luôn theo sát, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt hội theo đó cũng thường xuyên được đổi mới với các mô hình hoạt động đa dạng, phong phú. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức hội và hội viên phụ nữ hằng năm được coi trọng, thực hiện nghiêm túc, bài bản; gắn việc đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên với việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của hội phụ nữ…
Những kết quả của CTPN và PTPN Học viện Hậu cần 5 năm qua là cơ sở, tiền đề vững chắc để CTPN và PTPN tiếp tục đổi mới, sáng tạo với tinh thần của Đại hội đại biểu phụ nữ học viện lần thứ VII (2021-2026) đề ra: “Phụ nữ học viện phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; đoàn kết, sáng tạo, khát vọng cống hiến, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; góp phần xây dựng Đảng bộ học viện trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực”. Để đạt được mục tiêu trên, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban giám đốc học viện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Đồng thời cũng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ hội, của từng hội viên phụ nữ góp phần đưa CTPN và PTPN học viện đạt nhiều kết quả cao hơn.
Box: Từ năm 2016 đến nay đã có 47 lượt tập thể hội phụ nữ và 596 lượt hội viên phụ nữ Học viện Hậu cần được thủ trưởng các cấp khen thưởng; trong đó, 130 hội viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 hội viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()