CPTPP: Thách thức có thể kiểm soát nếu có kế hoạch và lộ trình phù hợp
CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 đơn vị cấp địa phương về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chia sẻ thêm về thông tin này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai và có báo cáo kết quả định kỳ, cũng như kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.
Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, dựa vào các báo cáo gửi Bộ Công Thương, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch theo 5 nhóm lĩnh vực chính.
Cụ thể, hầu hết chú trọng vào việc tuyên truyền về Hiệp định CPTPP dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau; tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP; triển khai các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý …
Riêng với kế hoạch của Bộ Công Thương, đến nay đã được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm bảo đảm cộng đồng doanh nghiệp có thể kịp thời hiểu rõ và hiểu đúng các cam kết của hiệp định. Qua đó hỗ trợ cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng được tối đa lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã nâng cấp toàn bộ cấu trúc và nội dung của chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/ để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định CPTPP một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tổ chức một loạt các hội nghị, hội thảo phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế về Hiệp định CPTPP tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Lào Cai, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì “Hội nghị liên ngành triển khai cam kết CPTPP để phát triển thị trường các nhóm ngành hàng cụ thể” tại Cần Thơ và “Hội nghị Hiệp định CPTPP – Những cam kết chính và một số vấn đề cần lưu ý” cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên tại Lâm Đồng.
Hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị tổ chức hội nghị, hội thảo chung và theo chuyên đề về Hiệp định CPTPP tại khoảng 10-15 cụm tỉnh và thành phố trên cả nước.
Dự kiến trong tháng 4 này, Bộ Công Thương sẽ đồng chủ trì với Trung tâm Hội nhập quốc tế của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định CPTPP” tại Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và biên soạn các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn chi tiết, sổ tay… về một số nội dung cam kết quan trọng của CPTPP để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề có quan tâm.
Không những thế, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp nhận và trả lời các câu hỏi, thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về từng vấn đề cụ thể liên quan tới CPTPP thông qua hòm thư điện tử của Bộ Công Thương phụ trách về vấn đề này đăng tải trên chuyên trang CPTPP là [email protected]…
Liên quan đến việc cập nhật tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định có hiệu lực ngày 8/3/2019.
Tuy có hiệu lực sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (14/1/2019), nhưng Thông tư số 03/2019/TT-BCT có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định trong thời gian từ ngày 14/1/2019 đến ngày 8/3/2019.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh, phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện hiệp định…
Nhận định từ giới chuyên gia, hiệp định là cơ hội có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ – đầu tư sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết quốc tế.
Về cơ bản, những sửa đổi hay điều chỉnh này đều phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, tham gia CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()