Tính đến tháng 11-2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã vọt lên 9,58%, nằm ngoài dự báo của các cơ quan chức năng và giới chuyên môn.
Sữa là mặt hàng liên tục tăng giá trong thời gian qua. Ảnh: HỒNG THÚY
Tăng giá do sức mua
So với tháng trước, CPI tháng 11-2010 đã tăng 1,86%. Nếu tính riêng CPI của 11 tháng hằng năm thì đây là năm nước ta có CPI tăng cao trong vòng 15 năm trở lại. Như thường lệ, mức tăng giá cao nhất vẫn thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,45% so với tháng trước. Trong đó, lương thực tăng đột biến 6,02%, thực phẩm tăng 3,27%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,19%. Bưu chính viễn thông vẫn là nhóm duy nhất giảm giá do các nhà mạng duy trì các đợt khuyến mãi, song mức giảm không đáng kể, chỉ 0,3%. Lễ hội không chỉ làm tăng giá các dịch vụ ăn uống, tiêu dùng mà còn là nguyên nhân khiến nhóm giao thông tăng khá cao so với tháng trước là 0,29%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, giá hàng hóa tăng là do tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Là nền kinh tế mở, VN cũng được lợi từ việc tăng giá các mặt hàng xuất khẩu nhưng do nhập siêu, giá hàng hóa của thị trường thế giới biến động tác động mạnh đến giá cả hàng hóa trong nước. Nguyên nhân nội tại xuất phát từ cung – cầu hàng hóa, hệ thống phân phối và sâu xa hơn là năng suất lao động thấp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân tăng giá do lễ, Tết, sức mua của thị trường tăng cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá cả một số mặt hàng thiết yếu hiện vẫn chưa theo sát thị trường, nếu điều chỉnh, chắc chắn sẽ có tác động đến CPI. Thực tế cho thấy cuối năm 2009, một số mặt hàng như than, phân bón, xi măng đã tăng giá, đến tháng 1-2010, giá điện lại tăng thêm 6,8% khiến CPI năm nay diễn biến bất thường, vượt ngoài quy luật.
Gánh nặng đời sống
Do lương thực, thực phẩm là nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI và là mặt hàng thiết yếu của đời sống nên khi nhóm này tăng giá mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người có thu nhập trung bình trở xuống. Nếu tính chung từ đầu năm 2010 đến nay, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 12,46%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng bất ngờ tăng 1,74%, tác động mạnh đến đời sống vì nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
Theo quy luật, giá cả hàng hóa thường tăng vào các tháng cuối năm nhưng năm nay đã tăng bất thường, dù công tác bình ổn giá vẫn đang được nỗ lực thực hiện. TPHCM là một điểm sáng bình ổn giá nhưng CPI tháng 11-2010 vẫn tăng 1,73%. UBND TP Hà Nội cũng vừa chi thêm 45 tỉ đồng cho các doanh nghiệp trữ hàng hóa bình ổn giá, tăng điểm bán hàng bình ổn từ 108 lên 385 điểm, thực hiện tháng khuyến mãi quy mô rầm rộ nhất trong năm… Thế nhưng, ông Nguyễn Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết lượng hàng bình ổn chỉ còn khoảng hơn 10 mặt hàng thiết yếu, trong khi hàng hóa trong siêu thị lên đến 30.000 mặt hàng nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo ông Phú, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cung – cầu hợp lý, không để “sốt” hàng hóa cục bộ làm tăng giá bất thường. Việc chống đầu cơ thực hiện rất tốt nhưng vẫn xảy ra nghịch lý giá cả hàng hóa các chợ đầu mối, siêu thị không tăng song giá cả tại chợ lẻ vẫn tăng, không kiểm soát được.
Ngoài các biện pháp bình ổn giá, kiểm tra, thanh tra giá hàng hóa, hạn chế nhập khẩu, Chính phủ cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế tiền trong lưu thông, hãm đà tăng tỉ giá ngoại tệ… để kiềm chế lạm phát ở mức 8%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới hai con số đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ý kiến ()