CPI giảm tốc: Vẫn cần thận trọng và điều hành linh hoạt
CPI có xu hướng giảm tốc nhưng việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vẫn phải tiếp tục được thực hiện với tinh thần: chính sách thì thắt chặt, thận trọng, nhưng điều hành thì linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xét về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng sau so với tháng trước, nếu từ tháng 1 đến tháng 4 có xu hướng cao lên qua các tháng, thì từ tháng 5 đã có xu hướng ngược lại, tức là tốc độ tăng của tháng sau thấp hơn của tháng trước. Mức độ thấp hơn này diễn ra có xu hướng nhanh hơn: tốc độ tăng của tháng 5 chỉ bằng hai phần ba tốc độ tăng của tháng 4 và tốc độ tăng của tháng 6 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của tháng 5. Xu hướng này được các chuyên gia dự đoán sẽ còn tiếp tục trong tháng 7, tháng 8 tới.Xu hướng giảm Diễn biến và xu hướng giảm của CPI như trên do nhiều nguyên nhân....
CPI có xu hướng giảm tốc nhưng việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vẫn phải tiếp tục được thực hiện với tinh thần: chính sách thì thắt chặt, thận trọng, nhưng điều hành thì linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xét về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng sau so với tháng trước, nếu từ tháng 1 đến tháng 4 có xu hướng cao lên qua các tháng, thì từ tháng 5 đã có xu hướng ngược lại, tức là tốc độ tăng của tháng sau thấp hơn của tháng trước.
Mức độ thấp hơn này diễn ra có xu hướng nhanh hơn: tốc độ tăng của tháng 5 chỉ bằng hai phần ba tốc độ tăng của tháng 4 và tốc độ tăng của tháng 6 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của tháng 5. Xu hướng này được các chuyên gia dự đoán sẽ còn tiếp tục trong tháng 7, tháng 8 tới.
Xu hướng giảm
Diễn biến và xu hướng giảm của CPI như trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng do kết quả tích cực trong việc thực hiện các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 11, được nhấn mạnh thêm trong Nghị quyết 83 của Chính phủ, được tiếp tục đề cập trong chỉ thị về định hướng xây dựng kế hoạch năm 2012 của Thủ tướng chính phủ.
Lạm phát cao trong những tháng đầu năm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tuy là “phi kinh tế” nhưng lại có tác động “cộng hưởng” rất quan trọng là yếu tố tâm lý, là sự lo sợ lạm phát mà tìm nơi trú ẩn là vàng và ngoại tệ.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tìm đúng điểm này để có giải pháp tập trung xử lý, làm cho thị trường vàng và ngoại tệ ổn định trở lại. Hơn thế nữa, còn mua được một lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần tăng sức mạnh của quốc gia, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin vào đồng nội tệ.
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/6 mới ở mức 7,05%, còn thấp hơn con số định hướng 20% cho cả năm, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán còn ở mức thấp hơn (2,33%) thấp xa so với con số định hướng 15-16% cho cả năm. Có nguyên nhân do miền Bắc, miền Trung đã qua thời kỳ giáp hạt, đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân có khả năng được mùa lớn (nếu không bị bão lũ đột xuất); do Miền Nam liên tiếp được mùa lúa đông xuân, lúa hè thu.
Có nguyên nhân do một số địa phương tăng lượng và mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá; do Chính phủ hỗ trợ hàng chục nghìn tấn gạo cho một số địa phương gặp khó khăn vì thiên tai, giáp vụ.
Có nguyên nhân do đầu tư công bước đầu được cắt giảm, đình hoãn, kéo tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP giảm xuống (năm 2010 là 49,9%, quý I/2011 còn 38,8%, khả năng 6 tháng còn thấp hơn nữa).
Có nguyên nhân do ứng phó với lạm phát, tiêu dùng cũng đã “co lại” (tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu cùng kỳ năm trước tăng tới 16,5%, thì 6 tháng này chỉ còn tăng khoảng 6%). Có nguyên nhân do giá một số mặt hàng trên thế giới gần đây có xu hướng đứng hoặc giảm (như xăng dầu, sắt thép, đường,…)
Thận trọng về chính sách, linh hoạt về điều hành
Do đó, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội vẫn phải tiếp tục được thực hiện, với tinh thần: về chính sách thì vẫn phải thắt chặt, thận trọng, nhưng về điều hành thì cần có sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế.
Thắt chặt, thận trọng cũng được hiểu là nhất quán, kiên trì thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá. Thực hiện nghiêm định hướng tăng tín dụng 20% và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 15-16%. Tiếp tục chống vàng hoá, đô la hoá. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về giá, về vàng, ngoại tệ,…
Việc thông tin, dự báo về diễn biến giá ở trong nước và xu hướng biến động giá trên thế giới cần được cập nhật kịp thời. Kiềm chế nhập khẩu, nhập siêu để tránh nhập khẩu lạm phát, khuếch đại lạm phát ở trong nước; tránh sức ép đối với cán cân thanh toán, tỷ giá,…
Linh hoạt trong điều hành là bài học kinh nghiệm được rút ra từ các năm trước, vừa phù hợp với diễn biến tình hình, vừa hạn chế các hiệu ứng phụ cũng như giảm chi phí khắc phục hiệu ứng phụ đó. Điều cần linh hoạt vào lúc này cần hướng vào hai điểm.
Thứ nhất là giảm dần mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp tránh nguy cơ thu hẹp sản xuất kinh doanh, nguy cơ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm. Muốn vậy, các ngân hàng thương mại cần tiết giảm chi phí, chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên cho sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ; các doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm, mặt hàng, thị trường, phương thức tiêu thụ,… sử dụng hiệu quả vốn, tăng năng suất lao động, giữ chân lao động…
Thứ hai, hút mạnh hơn nữa lượng vàng, lượng ngoại tệ từ doanh nghiệp, từ dân cư, vừa khai thác nguồn lực trong dân, vừa tranh thủ tăng dự trữ ngoại hối để tăng sức mạnh kinh tế của đất nước hoặc can thiệp thị trường khi cần thiết.
Tình hình đang có những chuyển biến tích cực, nhưng chưa thể chủ quan, thoả mãn, trong đó kiềm chế lạm phát và kiềm chế nhập siêu.
Theo Vnmedia
Ý kiến ()