Chủ nhật, 29/12/2024 14:54 [(GMT +7)]
CPI giảm sức nóng, lạm phát dần hạ nhiệt
Thứ 5, 08/09/2011 | 17:04:00 [(GMT +7)] A A
Tuy nhiên, những dấu hiệu khả quan từ một chỉ số dễ nhận biết nhất về tình hình lạm phát như CPI đã phần nào cho thấy hiệu quả thiết thực từ những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 CP. CPI giảm đồng nghĩa với việc lạm phát đang hạ nhiệt cũng đồng thời góp phần tăng thêm niềm tin của người dân vào quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
LSO-Sau gần 1 năm, lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước có mức tăng chưa đến 1% so với tháng trước. Dấu hiệu trên cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm. Kỳ vọng lạm phát sẽ chạm đỉnh vào quý III và dần hạ nhiệt trong quý IV đang trở thành hiện thực khi các ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Khách du lịch chọn mua đồ dùng gia đình tại chợ Đông Kinh |
CPI được coi như chiếc “nhiệt kế” đo sức nóng của thị trường, mỗi sự thay đổi dù nhỏ nhất của chỉ số CPI cũng phản ánh rõ nét mức tăng giảm của lạm phát. Tuy nhiên, ngay trong lạm phát CPI cũng được xem như một “con ngựa bất kham” khó kiềm chế và thuần phục nhất. Sau nhiều giải pháp mạnh của Chính phủ nhằm kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, những tháng cuối của quý III năm 2011, mức tăng của CPI đã có dấu hiệu chững lại và hứa hẹn khả năng hạ nhiệt. Dấu hiệu khả quan đó từ CPI có thể được xem như một minh chứng cho việc lạm phát đã bước đầu được kiềm chế có hiệu quả. Theo công bố của Tổng cục Thống kê về CPI cả nước tháng 8 có mức tăng 0,93% so với tháng 7/2011. Đây là tháng có mức tăng CPI thấp nhất trong 11 tháng qua kể từ tháng 9/2010. Như vậy, so với cùng kỳ tháng 8/2010 thì CPI tăng 23,02%, so với tháng 12/2010 tăng 15,68% và CPI bình quân cả nước 8 tháng đầu năm 2011 tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2010.
Tại Lạng Sơn, CPI tháng 8/2011 có mức tăng gần 1% so với tháng 7/2011; tăng 18,22% so với tháng 12/2010; CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 17,98% so với cùng kỳ năm 2010 (cao hơn bình quân cả nước 0,34%). Trong đó, ngành hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 28,68%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 19,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,81%… riêng bưu chính, viễn thông giảm 4,63%. Mức tăng mạnh nhất từ đầu năm tới nay thuộc về nhóm hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tuy nhiên so với nhiều địa phương thì mức tăng tại Lạng Sơn chưa phải là “quá nóng“. Đặc biệt, trong những thời điểm lạm phát tăng cao, Lạng Sơn vẫn cơ bản ổn định được về nguồn cung hàng nông sản, thực phẩm do hoạt động sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh được giữ vững và đạt mức tăng trưởng khá. Mặc dù CPI 8 tháng của Lạng Sơn vẫn cao hơn bình quân của cả nước 0,34%, nhưng đây không phải là mức tăng đáng quan ngại bởi đó là xu hướng chung trong lạm phát, hơn nữa, từ đầu năm tới nay Lạng Sơn không để xảy ra những đột biến về giá như một số địa phương đã gặp phải và nhìn chung thị trường vẫn giữ được sự ổn định trong cung cầu.
Theo nhận định, từ nay đến cuối năm vẫn còn 2 yếu tố có thể tác động mạnh đến CPI, đó là mùa mua sắm cuối năm và những diễn biến thất thường của giá vàng. Giá tăng vào dịp cuối năm là một quy luật thường niên không tránh khỏi và các ngành chức năng có thể sử dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, bình ổn và tránh đột biến về giá. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá vàng lại là một câu chuyện khác, tuy không thuộc danh mục nằm trong giỏ hàng để xác định CPI nhưng giá vàng có tác động rất lớn đến giá các mặt hàng khác trên thị trường. Đặc biệt, việc giá vàng tăng dễ dẫn đến tình trạng “té nước theo mưa” đua nhau tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát chỉ số CPI do những ảnh hưởng của giá vàng. Việc vàng tăng hay giảm không nằm trong tầm với của các địa phương, do đó biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là chủ động hạn chế hiện tượng “ăn theo” giá vàng để tăng giá bất hợp lý của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường, ngăn chặn buôn bán trái phép, đầu cơ, tích trữ nhằm trục lợi.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, đồng thời chủ động ngăn chặn không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ, gây đột biến giá. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, và gian lận thương mại, góp phần làm giảm những nguy cơ gây bất ổn thị trường.
Khách hàng mua sắm hàng Việt tại Hội chợ thương mại Lạng Sơn |
Để có thể khẳng định lạm phát đã được kiềm chế và đẩy lùi hay chưa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: việc đảm bảo tính thanh khoản của thị trường tiền tệ, ngân hàng; giữ vững và ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng thu ngân sách, kiểm soát chi thường xuyên, đầu tư công hiệu quả; duy trì đà tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, những dấu hiệu khả quan từ một chỉ số dễ nhận biết nhất về tình hình lạm phát như CPI đã phần nào cho thấy hiệu quả thiết thực từ những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 CP. CPI giảm đồng nghĩa với việc lạm phát đang hạ nhiệt cũng đồng thời góp phần tăng thêm niềm tin của người dân vào quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Trúc Lam
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()