Covid-19 - Tác động và phản ứng chính sách
Toàn cảnh hội thảo.
Hơn 120 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu T.Ư trên địa bàn Hà Nội, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế T.Ư, Ngân hàng Thế giới… tập trung làm rõ tác động của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam; phân tích và đánh giá các phản ứng chính sách của Việt Nam, cũng như các quốc gia trên thế giới.
Hầu hết các ý kiến đều khẳng định: Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệch, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19 bao gồm: Kích thích nền kinh tế; Hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm, và thu nhập; Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng…
Những chính sách đối phó với dịch và kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập được triển khai kịp thời bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; Các hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội đang được khôi phục. Thành công của Việt Nam thể hiện trí tuệ và bản lĩnh, sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Dalia Research, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng của người dân cao nhất đối với chính sách chống dịch của Chính phủ… Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 cũng đang thách thức trực tiếp các điểm yếu cơ bản của kinh tế Việt Nam, như phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, nguồn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ yếu, tỷ lệ nợ cao và cơ chế truyền dẫn chính sách chưa thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, thực tiễn vừa qua đã khẳng định sự cấp thiết phải củng cố sự tự chủ kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới ngày càng mở cửa, tự do hóa và toàn cầu hóa, hội nhập và phân công, hợp tác quốc tế ngày càng sâu và rộng, tự chủ kinh tế trong bối cảnh bình thường mới không có nghĩa là quay trở lại mô hình kinh tế tự cung tự cấp, co hẹp và đóng băng các quan hệ cung ứng hàng hóa, dịch vụ và công nghệ quốc tế, mà cần được bổ sung những yêu cầu mới về tăng năng lực chống đỡ của nền kinh tế với các biến động giảm mạnh cả tổng cung và tổng cầu trên thị trường xã hội và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng cả về nguồn yếu tố đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, sự suy giảm đột ngột các quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế dựa trên tiếp xúc trực tiếp truyền thống; cũng như về nâng cao hơn các yêu cầu quy chuẩn và tiêu chuẩn về bảo đảm vệ sinh và phòng dịch…
Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh: trước mắt, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh; sắp xếp lại các đứt gẫy chuỗi cung ứng kinh tế hiện có và xây dựng mới, đa dạng hóa các chuỗi liên kết, các đối tác và thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu; gia tăng các hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng, thương mại điện tử, các ứng dụng hỗ trợ làm việc từ xa và thanh toán không dùng tiền mặt… Các cơ quan chức năng và địa phương cần thấm nhuần và thổi bùng khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường, đặt lợi ích đất nước lên trên hết, trọng dụng nhân tài và quyết liệt phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực và tinh thần trách nhiệm, kỷ luật công vụ; triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, nhằm giảm thiểu các chi phí thể chế, tài chính, thời gian và công sức tuân thủ cho doanh nghiệp, để khu vực kinh tế tư nhân và thị trường trong nước thực sự là đầu kéo chủ lực và động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế hậu Covid-19.
Đồng thời, cần chủ động xây dựng và triển khai sớm một chiến dịch xúc tiến đầu tư và thương mại chiến lược quốc gia, khẳng định Việt Nam là “đối tác tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam, định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư FDI có tiềm năng thực sự về tài chính, công nghệ và tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Đại dịch Covid-19 làm bộc lộ và cũng là cơ hội để nhận diện và cải thiện những điểm bất cập và hạn chế của nền kinh tế, cả cấp vĩ mô và vi mô. Vì vậy, củng cố năng lực tự chủ kinh tế là một trong những định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh bình thường mới hậu Covi-19…!
Ý kiến ()