COVID-19: 'Nhà không có người lớn'
Nếu không có một sự lãnh đạo thống nhất toàn cầu, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều dịch bệnh như COVID-19 trong tương lai. |
Nếu Trái đất của chúng ta là một ngôi nhà, thì dường như, trong đại dịch COVID-19 chết chóc và hoảng loạn, ngôi nhà lộn xộn đó không có người lớn. Những căn phòng chết chóc di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, tháng 1 thì ở Trung Quốc, tháng 2 thì Nhật Bản rồi Hàn Quốc, và rồi Italia và châu Âu, và đến cuối tháng 3 là Mỹ-nơi mà cách đây vài tuần Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ là quốc gia chuẩn bị tốt nhất thế giới. Trong khi số nạn nhân không hề giảm, những chủ phòng vẫn mải tranh cãi nên đặt tên con virus là gì, ai tạo ra kẻ giết người này… và ai sẽ là người chết sau cùng?
Trên tờ Le Figaro mang khuynh hướng bảo thủ, hôm 22/03/2020, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng chính tiến trình toàn cầu hoá đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay.
Dù bạn có gặp ác mộng đến đâu, toàn cầu hóa vẫn là giấc mơ dài hạn của con người.
Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng ngay cả trong thời trung cổ, rất lâu trước thời đại toàn cầu hóa.
Nếu đọc lại lịch sử, bạn sẽ biết: Bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người từ lâu khi chưa có toàn cầu hóa. Vào thế kỷ 14, không có máy bay và du thuyền, nhưng chỉ “12 con thuyền từ Biển Đen cập bến Sicile đã lây lan “Cái Chết Đen” (Black death), giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người – hơn một phần tư dân số Á-Âu. Ở Anh, thời đó, cứ 10 người thì có 4 người chết. Thành phố Florence đã mất 50.000 trong số 100.000 dân.
Vào tháng 3 năm 1520, chưa hề có toàn cầu hóa, con tàu Francisco de Eguía mang bệnh đậu mùa – đã vào cập cảng Mexico. Vào thời điểm đó, Trung Mỹ không có xe lửa, xe buýt hay thậm chí là lừa. Tuy nhiên, trong 9 tháng, bệnh dịch đậu mùa đã tàn phá toàn bộ Trung Mỹ, ước tính đã giết chết tới một phần ba dân số.
Chưa có toàn cầu hóa mà vào năm 1918, một chủng cúm đặc biệt rất mạnh đã lây lan trong vòng vài tháng, tới tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Nó đã lây nhiễm cho nửa tỷ người – hơn một phần tư loài người thời điểm đó. Ước tính, năm 1918 con virus cúm đã giết chết 5% dân số Ấn Độ. Trên đảo Tahiti 14% dân số đã chết. Ở đảo Samoa thì 20%. Nhìn chung, đại dịch 1918 đã giết chết hàng chục triệu người – và có thể lên tới 100 triệu người – trong vòng chưa đầy một năm. Hơn cả số người chết trong Thế chiến thứ nhất kéo dài bốn năm .
Khi Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ 14, mọi người không biết nguyên nhân gây ra và những gì có thể làm để ngăn chặn nó. Cho đến thời hiện đại, con người thường đổ lỗi bệnh tật do thịnh nộ của thần linh, ác quỷ hay ô nhiễm không khí và thậm chí chưa có chút nghi ngờ sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Mọi người cầu khẩn sự cứu giúp của thần linh. Do đó, khi Cái Chết Đen hoặc bệnh đậu mùa đến thăm, điều tốt nhất là tổ chức những buổi cầu nguyện và tế lễ thần linh. Nhưng chẳng có ích gì. Thật vậy, khi mọi người tụ tập cùng nhau để cầu nguyện, đó là cơ hội cho con virus lây lan. Ngay cả trong dịch bệnh Covid-19 lần này, thì ít nhất hai nơi tập trung đông để cầu nguyện chống virus ở Hàn Quốc và ở Malaysia cũng nhanh chóng trở thành ổ dịch.
Thuyết tiến hóađã giải thích tại sao và làm thế nào các bệnh mới bùng phát, trong khi các bệnh cũ trở nên độc hại hơn. Di truyền học cho phép các nhà khoa học theo dõi đường đi của mầm bệnh. Trong khi thời Trung cổ không bao giờ biết nguyên nhân gây ra Cái Chết Đen, thì các nhà khoa học hiện đại chỉ mất hai tuần để xác định được coronavirus chủng mới, giải mã bộ gen của nó và phát triển một dụng cụ thử nghiệm đáng tin cậy để xác định người nhiễm bệnh. Việt Nam, một nước đang phát triển, cũng làm được như thế.
Một khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tiêm vaccine, kháng sinh, cải thiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn, đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình.
Lưu ý rằng: Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây nhiễm cho 15 triệu người và giết chết 2 triệu người trong số đó. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã rất thành công, đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không một người nào bị nhiễm bệnh hoặc bị bệnh đậu mùa.
Có lẽ điều quan trọng nhất là mọi người nên nhận thức rõ về dịch bệnh. Đó là sự lây lan dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào, đều gây nguy hiểm cho toàn bộ loài người. Điều này là do virus tiến hóa.
Vì một người có thể lưu trữ hàng nghìn tỷ virus trải qua quá trình sao chép liên tục, nên mỗi người nhiễm bệnh lại tạo ra hàng nghìn tỷ cơ hội mới để virus thích nghi hơn với con người. Mỗi người mang mầm bệnh giống như một cỗ máy đánh bạc cung cấp cho virus hàng nghìn tỷ vé xổ số – và virus cần rút ra chỉ một vé trúng thưởng để phát triển mạnh.
Nhiều nhà khoa học nhận định rằng: Trong cuộc chiến chống lại virus, các nước cần bảo vệ chặt chẽ biên giới, cần phong tỏa các ổ dịch, với các biện pháp nghiêm ngặt như trong chiến tranh. Tuy vậy các giải pháp thời chiến bao giờ cũng ngắn hạn. Về lâu dài, cộng động quốc tế phải xây dựng đường biên giới giữa thế giới loài người và thế giới virus.
Đúng vậy, chúng ta đang sống chung với vô số virus và các virus mới liên tục phát triển do đột biến gen. Đường biên giới ngăn cách lãnh địa của virus với thế giới loài người chạy ngang qua bên trong cơ thể của mỗi người và tất cả mọi người. Nếu một loại virus nguy hiểm tìm cách xâm nhập biên giớinày ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.
Biên giới mà nhân loại xây dựng ngăn ngừa dịch bệnh đã bao gồm: các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại và đội ngũ các y tá, bác sĩ và nhà khoa học. Họ giống như những người lính tuần tra và đẩy lùi dịch bệnh xâm nhập. Tuy vậy, vẫn còn những biên giới dài về mạng lưới y tế bị bỏ trống một cách đáng buồn. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thậm chí còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Muốn làm được như vậy, thế giới phải được lãnh đạo thống nhất.
Trong đại dịch Covid-19 này, thế giới bộc lộ ra một cuộc khủng hoảng khác: t hiếu các nhà lãnh đạo thế giớicho một phản ứng phối hợp toàn cầu. Một sự tê liệt tập thể đã trói tay cộng đồng quốc tế. Như “không có người lớn ở nhà” vậy! Khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tự phong tỏa mình, còn Liên Hiệp Quốc chỉ nói: Cảnh giác. Trong khi đó, tổ chức y tế thế giới WHO thì ngập ngừng: chỉ là vấn đề của Trung Quốc, chưa phải toàn cầu, còn Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – vẫn đi tìm lời giải từ thuyết âm mưu! Nếu “ngôi nhà thế giới, có người lớn”, thì các “căn phòng” của nó không phải bị nhiễm đỏ bởi con virus quá đáng sợ như bây giờ.
Trong đại dịch Ebola 2014, Hoa Kỳ đóng vai trò là nhà lãnh đạo như thế! Hoa Kỳ đã hoàn thành vai trò tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nước này hỗ trợ các nước khác đủ để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Giờ đây, Hoa Kỳ đang xem lại vai trò nhà lãnh đạo toàn cầu. Chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã cắt giảm hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng thống Donald Trump hơn một lần đã nói rõ với thế giới rằng Hoa Kỳ không còn bạn bè thực sự – nó chỉ có lợi ích.
Khoảng trống mà Hoa Kỳ bỏ lại, ít nhất cho đến lúc này, vẫn trống. Ngày 28/3/2020, ứng viên tổng thống Mỹ 2020 của đảng Dân chủ Joe Biden nói trên đài CNN rằng: Ông tin tưởng hoàn toàn vào các nhà khoa học trong việc tim ra thuốc trị và vaccine. Trong khi đó, các nhà khoa học tại Israel đang than phiền bệnh hành chính giấy tờ khiến việc nghiên cứu vacxin chậm chạp. Rốt cuộc, vẫn cần một “người lớn trong nhà” khi có việc.
Nếu không có một sự lãnh đạo thống nhất toàn cầu, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều dịch bệnh như vậy trong tương lai.
Ngày 27/3/2020, nhóm G20, nhóm những nước giàu, đã họp bất thường qua màn hình để tránh coronavirus, quyết định góp 5.000 tỉ USD, trong đó Trung Quốc hứa 344 tỉ USD, nhưng liệu số tiền đó có hiệu quả trong điều kiện mà chủ nghĩa dân túy toàn cầu đang lên ngôi?
Hy vọng rằng dịch bệnh hiện tại sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy hiểm cấp tính do mất đoàn kết toàn cầu.
Trong khủng hoảng này, cuộc đấu tranh quyết định diễn ra giữa chính loài người. Nếu dịch bệnh này dẫn đến sự mất đoàn kết và mất lòng tin lớn hơn giữa người với người trong ngôi nhà trái đất, thì đó sẽ là chiến thắng lớn nhất của virus. Ngược lại, chiến thắng thuộc về chúng ta./.
Ý kiến ()