COVID-19 kéo lùi 5-8 năm tiến bộ trong nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết COVID-19 đã kéo lùi 5-8 năm tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ chống lao thiết yếu. Các mục tiêu phòng chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt.
Ngày 10/12, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức Hội nghị “Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2021, trọng tâm công tác năm 2022.”
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi 5-8 năm tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ chống lao thiết yếu và nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được.
Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 10 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao ở mức cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo Tổ chức Y tế thế giới WHO 2020).
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, ngành y tế cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng không mong muốn này.
Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài.
“Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành y tế. Là những đơn vị có liên quan đến bệnh phổi, nên việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 là rất rõ ràng,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần quan tâm mạnh mẽ hơn, bàn bạc, thảo luận đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến trình chấm dứt lao tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cần phải đầu tư tốt hơn. Kỹ thuật mới là cứu cánh nhưng phương pháp áp dụng kỹ thuật mới rất quan trọng.
“Thành công là phát hiện nhiều nhất và điều trị hết các bệnh nhân lao cả lao mới, lao phổi, lao màng phổi, lao kháng thuốc, thậm chí lao siêu kháng thuốc. Bệnh viện Phổi trung ương sẽ cùng Chương trình chống lao quốc gia, Bộ Y tế thực hiện việc hết sức nhân văn, là tránh được cái chết của hàng chục nghìn người mắc lao, làm cho hàng trăm nghìn gia đình hạnh phúc,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh. Đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm lên đến 50-70% ở nhiều nơi.
Với bệnh lao, số phát hiện bệnh nhân mới giảm rõ rệt bắt đầu từ cuối tháng Tư khi Việt Nam bước vào làn sóng dịch thứ tư, giảm một nửa so với giai đoạn đầu năm.
Tại miền Bắc, số lượng bệnh nhân phát hiện giảm 19%, miền Trung giảm 23% và miền Nam giảm 26%. Tỷ lệ bệnh nhân lao mới và tái phát 10 tháng năm 2021 so với chỉ tiêu cả năm hầu như chỉ đạt 50%, chỉ có Hà Nội, Vĩnh Phúc… đạt chỉ tiêu 80%.
Kết quả hoạt động điều trị trong 9 tháng đầu năm duy trì ở mức 90%, cao hơn mức yêu cầu của WHO. Tỷ lệ hoàn thành điều trị tăng cao so với mọi năm, 72% trên toàn quốc. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 84,7%.
Trong khó khăn do dịch bệnh, công tác phòng chống lao vẫn được duy trì thường xuyên. 100% quận, huyện và 100% xã, phường trên cả nước vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao, tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình chống lao tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác là các bệnh, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế.
Trong năm 2022, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình kiểm soát nhanh dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh đường hô hấp nguy hiểm tại tuyến y tế cơ sở; tiếp tục duy trì Bệnh viện an toàn ứng phó COVID-19, an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế thông qua thực hành các quy trình chuẩn về chuyên môn và quản lý; song song với tăng cường các công tác phòng chống lao tại các tuyến.
Cùng với duy trì, đảm bảo chất lượng hoạt động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao thường quy tại các tuyến, Chương trình đẩy mạnh hoạt động phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao./.
Ý kiến ()