COVID-19: Indonesia hoãn một ngày lễ, Thái Lan phân vùng nới lỏng
Ngày 18/6, Chính phủ Indonesia đã quyết định hoãn hai ngày lễ quốc gia và hủy một ngày nghỉ nhằm hạn chế người dân di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ngày 18/6, Chính phủ Indonesia đã quyết định hoãn hai ngày lễ quốc gia và hủy một ngày nghỉ nhằm hạn chế người dân di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, căn cứ quyết định mới nhất, Năm mới Hồi giáo được dời sang ngày 11/8, trong khi kỳ nghỉ lễ quốc gia nhân ngày sinh của Đấng tiên tri Mohamah được lùi sang ngày 20/10. Riêng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 24/12 năm nay bị hủy bỏ.
Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Muhadjir Effendy cho biết quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp cùng ngày với 3 Bộ liên quan gồm Bộ Nhân lực, Bộ Tôn giáo, và Bộ Cải cách hành chính và Quan liêu.
Cũng trong ngày 18/6, hàng loạt địa phương trên đảo Java đã áp đặt lệnh phong tỏa khi các bệnh viện quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Jakarta, bà Dwi Oktavia, cho biết 84% trong tổng số 8.524 giường cách ly và 74% trong tổng số 1.186 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) tại khu vực thủ đô đã kín chỗ. Thành phố đang phối hợp với chính quyền trung ương nhằm bổ sung thêm các địa điểm cách ly tập trung, như sử dụng các khu thi đấu thể thao và khu căn hộ cho thuê giá rẻ.
Theo truyền thông sở tại, tính đến ngày 18/6, 100% giường bệnh ở 45 trong tổng số 324 bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19 thuộc tỉnh Tây Java đã kín chỗ, trong đó 6 bệnh viện đã hoạt động vượt công suất.
Trước đó, Bandung – thủ phủ của tỉnh Tây Java – đã áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng hai tuần kể từ ngày 16/6. Tất cả các điểm du lịch và giải trí tại đây đều phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng, chợ truyền thống và cả các địa điểm thờ tự phải hạn chế hoạt động. Thị trưởng Bandung Oded Muhammad Danial cho biết các biện pháp này được thực hiện do 89,7% số giường bệnh của thành phố hiện đã kín chỗ.
Tại tỉnh Trung Java, 8 thành phố và huyện đều được liệt vào danh sách các “vùng đỏ” và đang áp đặt các lệnh phong tỏa tương tự. Ngày 17/6, tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị COVID-19 đã đạt 90% tại một số địa phương. Nhiều cơ sở như bệnh viện tâm thần, ký túc xá dành cho người hành hương đã được chuyển đổi thành khu cách ly cho bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho rằng các ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh trong 5-7 tuần lễ sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, tức là đến đầu tháng 7. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất về Indonesia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về một mối nguy hiểm khác từ “các biến thể đáng lo ngại.”
Hồi đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia cho biết đã phát hiện 107 ca nhiễm biến thể Delta trong 148 ca nhiễm 3 biến thể được WHO liệt vào trong danh sách cần quan tâm. Con số này tăng đáng kể so với 32 ca ghi nhận tuần trước.
WHO đã kêu gọi Indonesia thực thi các biện pháp nghiêm ngặt hơn và hành động khẩn cấp trước sự gia tăng các ca nhiễm biến thể đáng lo ngại. Theo tổ chức này, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tăng mạnh trong tuần này ở các tỉnh có nguy cơ cao cũng là mối quan tâm lớn, đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp xã hội và y tế chặt chẽ hơn, trong đó có các hạn chế xã hội quy mô lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, mgày 18/6, Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 41.000 ca sau khi có thêm 799 ca mắc mới, trong đó có 702 ca lây nhiễm cộng đồng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, số ca hồi phục tiếp tục có dấu hiệu khả quan với 910 người khỏi bệnh.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 18/6, nước này ghi nhận tổng cộng 41.581 ca mắc COVID-19, trong đó 35.940 ca đã khỏi bệnh và 394 ca tử vong.
Trước tình trạng số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao (97 ca trong ngày 18/6), Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo điều trị riêng những ca nhập cảnh nhiễm các biến thể dễ lây lan, đồng thời yêu cầu phải cách ly riêng những trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm những biến thể này.
Thủ tướng Hun Sen cho biết Ủy ban Liên bộ về phòng chống COVID-19 cần tăng cường thực hiện các biện pháp y tế trên cả nước và đặc biệt đảm bảo người dân phải đeo khẩu trang và giãn cách để phòng dịch.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Tiêm phòng COVID-19 của Campuchia, bà Or Vandine, hiện chưa có con số chính xác về các ca nhập cảnh Campuchia nhiễm biến thể Alpha hay Delta được phát hiện lần đầu tại Anh và Ấn Độ.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền tỉnh Preah Sihanouk (phía Nam Campuchia) đang lên kế hoạch thực hiện tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn cho người dân từ 18 tuổi trở lên bắt đầu từ ngày 21/6 tới. Tại tỉnh Svay Rieng (giáp tỉnh Tây Ninh, Việt Nam), chính quyền tỉnh ngày 17/6 đã họp bàn chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người phát ngôn chính quyền tỉnh Preah Sihanouk, Kheang Phearom, ngày 17/6, cho biết nhiều điểm tiêm phòng đã được thiết lập. Người dân trên 18 tuổi, công nhân nhà máy và tất cả những người nước ngoài sống tại đây sẽ được tiêm phòng.
Tính đến nay, đã có khoảng 3,2 triệu người trường thành ở Capuchia được tiêm liều đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 và 2,64 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều.
Dùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã điều chỉnh việc phân loại các khu vực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ tuần tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, căn cứ bảng phân loại khu vực mới có hiệu lực từ 21/6, thủ đô Bangkok cùng ba tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát COVID-19 tối đa và nghiêm ngặt.
Mười một tỉnh khác thuộc “vùng đỏ” kiểm soát COVID-19 tối đa là Chachoengsao, Chon Buri, Trang, Nakhon Pathom, Pattani, Phetchaburi, Songkhla, Samut Sakhon (trước đây thuộc vùng đỏ sẫm), Saraburi, Yala và Narathiwat.
Chín tỉnh “vùng da cam” thuộc diện kiểm soát COVID-19 bao gồm Chanthaburi, Nakhon Si Thammarat, Prachuap Khiri Khan, Ayutthaya, Ranong, Rayong, Ratchaburi, Sa Kaeo và Samut Songkhram, trong khi 53 tỉnh còn lại thuộc “vùng vàng” theo diện giám sát COVID-19.
Cùng với việc điều chỉnh phân vùng phòng chống COVID-19, CCSA đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Tại các tỉnh thuộc vùng đỏ xẫm, các hoạt động không quá 50 người có thể được tổ chức, trong khi các nhà hàng máy lạnh có thể phục vụ tối đa 50% công suất cho khách hàng ăn uống tại chỗ và được mở cửa đến 11 giờ đêm, nhưng việc bán và tiêu thụ đồ uống có cồn trong khuôn viên vẫn bị cấm.
Ngoài ra, các cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 9 giờ tối. Các sân thể thao ngoài trời và các cơ sở thể thao được thông gió tốt có thể mở cửa mà không có khán giả. Các trường học vẫn đóng cửa.
Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được tăng lên theo từng vùng, với mức cao nhất là vùng vàng. Tại những tỉnh thuộc diện giám sát COVID-19 này, các hoạt động thu hút đám đông không được tập trung quá 200 người.
Các nhà hàng, trường học, trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa có thể hoạt động như bình thường. Các cơ sở thể thao có thể mở cửa với số lượng khách hạn chế. Trong tất cả các vùng, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và các địa điểm vui chơi giải trí vẫn đóng cửa.
Thái Lan đã ghi nhận 3.058 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc COVID-19 lên 210.782, trong đó có 1.577 ca tử vong. Đến nay, nước này đã tiêm được tổng cộng 7,22 triệu mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 5,25 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên và 1,97 triệu liều là mũi tiêm thứ hai.
Ngày 18/6, Afghanistan đã đưa vào hoạt động bệnh viện thứ 4 chuyên điều trị COVID-19 tại thủ đô Kabul trong bối cảnh liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Thông báo của Bộ Y tế Afghanistan nêu rõ bệnh viện Afghanistan -Indonesia với 50 giường, được trang bị máy thở oxy, các phương tiện cấp cứu và nhiều trang thiết bị cần thiết khác, đã đi vào hoạt động nhằm phục vụ việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở khu vực Ahmad Shah Baba Mina, phía Đông thành phố Kabul – nơi có khoảng 5 triệu dân. Việc lập bệnh viện mới như vậy là điều cấp thiết trong bối cảnh Afghanistan đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ ba.
Tính riêng trong ngày 17/6, quốc gia Nam Á ghi nhận 2.313 ca mắc mới COVID-19 và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 98.844 và 3.943 ca./.
Ý kiến ()