COVID-19: IATA khẩn cấp đề nghị các nước cứu trợ ngành hàng không
Các khoản dự trữ tiền mặt của các hãng hàng không hiện đang cạn kiệt đến mức chỉ có thể chi trả chi phí chưa đầy 2 tháng nữa.
Các hãng hàng không đã khẩn thiết kêu gọi các nền kinh tế lớn thế giới cần hành động nhanh chóng để hạn chế thiệt hại đối với ngành hàng không toàn cầu trong bối cảnh ngành này đang tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đó, một số nền kinh tế lớn đã có những biện pháp hỗ trợ ngành hàng không như Mỹ cung cấp gói hỗ trợ trị giá 58 tỉ USD, Singapore cũng tuyên bố sẽ có các biện pháp hỗ trợ trong khi Australia cho biết sẽ nới lỏng các quy tắc cạnh tranh.
Trong khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20 ) lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến nhằm thảo luận về các ứng phó với đại dịch COVID-19, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) đã yêu cầu chính phủ các nước này cung cấp hoặc hỗ trợ tài chính cho các hãng vận tải lớn mà họ đại diện.
Theo giám đốc điều hành của IATA Juniac, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng do các nước trên thế giới thực hiện quy định cấm nhập cảnh với người nước ngoài hoặc tăng cường cách ly khi nhập cảnh.
Các khoản dự trữ tiền mặt của các hãng hàng không cũng đang cạn kiệt đến mức chỉ có thể chi trả chi phí chưa đầy 2 tháng.
Để giảm bớt khó khăn do sụt giảm doanh thu, AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là hãng mới đây nhất tuyên bố cắt giảm hàng loạt lịch trình bay cũng như dừng hoàn toàn một số chuyến bay trong một khoảng thời gian.
Singapore Airlines cũng cho biết họ sẽ cầu cứu các nhà đầu tư hiện tại khoản tiền 15 tỉ S$ (tương đương 10,5 tỉ USD) thông qua việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi để bù đắp “cú sốc” đối với hoạt động kinh doanh của mình do tác động của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh việc cắt giảm các tuyến đường bay, bán cổ phiếu… để đảm bảo một số khoản doanh thu cũng như có thể duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu, một số hãng hàng không như Delta Air Lines, Air New Zealand và Etihad Airways cùng nhiều hãng hàng không khác trên thế giới đã tạm chuyển đổi công năng của máy bay chở khách.
Theo đó, các hãng hàng không này đã sử dụng các khoang hành khách trống để vận chuyển hàng hóa.
Việc chuyển đổi công năng không những giúp các hãng hàng không có doanh thu để duy trì hoạt động của mình mà còn giúp việc vận chuyển hàng hóa đường hàng không được duy trì phần nào bởi trong bối cảnh một loạt các chuyến bay chở khách bị hủy, một lượng lớn hàng hóa đi cùng các chuyến bay chở khách cũng bị buộc phải hủy bỏ.
Trong khi đó, nhiều hãng hàng không đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc sa thải do không đủ tiền trả lương.
Theo đánh giá của IATA, ước tính đại dịch COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 250 tỷ USD trong năm 2020.
IATA cho biết, tổ chức này đã gửi thư tới lãnh đạo 18 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đề nghị hỗ trợ khẩn cấp.
Trước đó, ngày 24/3, để hỗ trợ cho ngành hàng không của mình, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 58 tỉ USD, trong đó 1/2 số tiền trên sẽ được sử dụng dưới dạng hỗ trợ để trả lương cho khoảng 750.000 nhân viên hàng không nước này.
Các hãng hàng không nhận được tiền hỗ trợ sẽ không được phép sa thải nhân viên trước ngày 30/9 hoặc thay đổi các thỏa thuận thương lượng.
Sau khi thượng viện thông qua, dự luật cứu trợ sẽ được chuyển tới Hạ viện để bỏ phiếu ngày 27/3 trước khi đệ trình lên Tổng thống Donald Trump ký./.
Ý kiến ()