COVID-19: Doanh nghiệp Mỹ phải tăng lương để giữ chân người lao động
Nhà kinh tế trưởng David Cooper tại Viện Chính sách Kinh tế cho biết lần đầu tiên kể cuối những năm 1990, những lao động được trả mức lương thấp có thêm động lực để đòi hỏi mức lương cao hơn.
Tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh đại dịch đang khiến các doanh nghiệp tại Mỹ phải tăng lương cho người lao động, với nhiều tập đoàn lớn đang trả 15 USD/giờ, mức lương tối thiểu mà đảng Dân chủ mong muốn.
Những tác động của đại dịch đã đưa đến số cơ hội việc làm ở mức kỷ lục, nhưng hàng triệu người vẫn thất nghiệp, trong đó một số bỏ việc để ở nhà chăm sóc con cái. Tuy nhiên, một số lao động đã nhân đại dịch để nghỉ hưu hoặc thay đổi công việc.
Nhà kinh tế trưởng David Cooper tại Viện Chính sách Kinh tế cho biết lần đầu tiên kể cuối những năm 1990, những lao động được trả mức lương thấp có thêm động lực để đòi hỏi mức lương cao hơn.
Trước các hoạt động kinh doanh bất ngờ tăng khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, các nhà hàng, các nhà bán lẻ và các nhà tuyển dụng khác đã gặp khó khăn trong việc tuyển lao động cho các vị trí trống và đã phải tăng lương, thậm chí đề nghị thưởng hay phụ cấp đối với những lao động mới.
Tuần trước, chuỗi dược phẩm CVS trở thành doanh nghiệp lớn mới đây nhất thông báo tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, tham gia vào một nhóm trong đó có Target, Chipotle và Amazon cùng với các tập đoàn khác. Chính sách mới sẽ có hiệu lực tại CVS vào tháng 7/2022.
Walmart, tập đoàn tư nhân sử dụng nhiều lao động nhất tại Mỹ, hồi cuối tháng Bảy thông báo sẽ bỏ mức phí 1 USD/ngày áp dụng cho chương trình đào tạo nhân viên.
Khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã muốn tăng hơn gấp đôi mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, từ mức 7,25 USD/giờ đã được duy trì 12 năm qua.
Theo nhà kinh tế tại Mỹ của High Frequency Economics, Rubeela Farooqi, quá nhiều sự phản đối đối với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ, nhưng các doanh nghiệp hiện không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lương để thu hút hoặc giữ chân lao động./.
Ý kiến ()