COVID-19 bùng phát lần 4: Những ‘thành trì thép’ bắt đầu chao đảo
Đối diện lần thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát, ngay cả những “cá mập” trong làng du lịch, những doanh nghiệp tưởng chừng vững chắc như “thành trì thép” nay cũng phải thốt lên “thực sự là chông chênh…”
Ba đợt dịch COVID-19 bùng phát trước đã để lại hậu quả là tới hơn 90% các đơn vị lữ hành trong nước phải đóng cửa, kéo theo nguồn nhân lực lao động “thất thoát không phanh” khi phần lớn phải nhảy việc để mưu sinh.
Người làm nghề từng xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều hướng dẫn viên phải chạy xe ôm, làm “shipper,” bán hàng online, thậm chí các giám đốc, CEO nhanh nhạy cũng phải vật lộn với loạt “chức danh” mới khi chuyển sang trồng rau sạch, sản xuất khẩu trang…
Trước thực tế này, các chuyên gia bày tỏ mối quan ngại thực sự cho ngành kinh tế không khói khi phải đối diện cuộc khủng hoảng nhân sự lớn chưa từng có trong lịch sử, nhất là lao động chất lượng cao ở lần thứ 4 dịch bùng phát. Có thể nói, mặc dù gắng gượng “vượt bão” 3 lần nhưng đến giờ, những “thành trì thép” cũng bắt đầu chao đảo.
Khi “thành trì thép” chao đảo…
Một trong những thực tế khiến doanh nghiệp đau đầu nhất thời điểm này chính là việc “chảy máu nhân sự.” Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho biết: “Cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng việc có liên quan. Song vừa qua, dịch bệnh COVID-19 khiến lực lượng này ‘teo tóp’ và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác.”
Lối đi nào cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam giữa tâm ‘bão COVID-19.’ (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam )
Kết quả một khảo sát mới đây của TAB cho thấy có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.
Chỉ riêng tại Thủ đô, theo thông tin của Sở Du lịch Hà Nội, từ cuối tháng Một đến nay, dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát làm hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khách hàng đồng loạt hủy tour, các doanh nghiệp du lịch và nhà hàng, khách sạn khó khăn chồng chất.
Tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%; đã có 267/1191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động; 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối diện lần thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát, ngay cả những “cá mập” trong làng du lịch, tưởng vững chắc như “thành trì thép” nay cũng phải thốt lên “thực sự là chông chênh.” Bởi hoạt động doanh nghiệp vừa mới gượng dậy còn thoi thóp nay tiếp tục nhận về cú giáng chí mạng.
Nhiều CEO bản lĩnh vững vàng, vốn là người truyền lửa và tự nhận mình có sứ mạng dẫn dắt đồng đội đã bắt đầu thấy đuối sức trước bài toán buộc phải sống sót qua mùa dịch: Làm sao giữ chân được nhân sự và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên cho một ngày mai du lịch trở lại rực rỡ?
Cần thay đổi chiến lược
Đợt “sóng thần” mới buộc các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành phải mạnh tay cắt giảm sâu nhân sự hoặc chuyển đổi, sắp xếp lại các vị trí do kinh doanh đình trệ, như nhân viên xây dựng sản phẩm tour quốc tế chuyển sang làm tour nội địa, nhân viên bán hàng chuyển sang điều hành tour…
Nhiều giám đốc các đơn vị lữ hành như đang “ngồi trên lửa,” lo rằng dịch bệnh triền miên sẽ khiến hàng loạt nhân sự còn cố bám trụ được đến giờ chán nản mà nghỉ việc, một khi đã chuyển nghề rồi sẽ dễ “một đi không trở lại” dù sau này du lịch được phục hồi.
CEO AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết hiện đang rất lo lắng, khi du lịch phục hồi sẽ thiếu nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao, khi lực lượng bổ sung có thể chưa thích nghi được ngay với công việc.
Các doanh nghiệp nỗ lực chuyển mình với công nghệ số để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam )
Khó khăn là điều chẳng thể tránh nhưng một số chuyên gia vẫn cố gắng có cái nhìn tích cực, lạc quan “trong nguy có cơ” với quan điểm COVID-19 xem như cơ hội cho các đơn vị trong ngành “thanh lọc” bộ máy, thêm cơ hội và thời gian đánh giá, sàng lọc nhân viên. Tranh thủ cơ hội này nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho “hồi thái lai.”
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch, vừa qua 6 doanh nghiệp du lịch đã chung tay, liên kết thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội – Prato (Practical Tourism).
Đây là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng lao động nguồn cho ngành. Giám đốc điều hành các công ty du lịch là người trực tiếp đứng lớp, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề thực tế cho các học viên là nhân viên, người lao động của chính các công ty du lịch, sinh viên hoặc người ở ngành nghề khác muốn làm du lịch.
Các học viên được học thực tế qua kinh nghiệm của các “đàn anh” về kỹ năng điều hành tour, kỹ năng xây dựng chương trình tour, kỹ năng đặt các dịch vụ vận chuyển/lưu trú trong tour, kỹ năng làm visa/đặt vé máy bay cho khách… Sau khóa đào tạo, học viên được thực hành tại các công ty du lịch và được các đơn vị tuyển dụng sau mỗi khóa học.
CEO Phạm Hà giới thiệu với du khách về không gian ‘bảo tàng nghệ thuật’ trên biển của du thuyền Heritage ngay trước trời điểm đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Chủ tịch Lux Group – đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phạm Hà cho hay dịch COVID-19 đến, các doanh nghiệp và người lao động phải thay đổi chiến lược, như bàn cờ xóa đi chơi lại, ai thích ứng nhanh mới có thể trụ vững, đặc biệt trong chiến lược đào tạo và sử dụng nhân lực.
Nói là vậy nhưng thực tế không hề dễ dàng với tất cả doanh nghiệp. Bởi không chỉ các chuyên gia mà lãnh đạo ngành cũng phải thừa nhận để phục hồi, phát triển lại đội ngũ lao động có tay nghề cao như trước là bài toán khó và chắc chắc phải đào tạo lại nguồn nhân lực để bù đắp vào sự thiếu hụt do dịch chuyển.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh khi các doanh nghiệp chưa thể tập trung đón khách, phục vụ khách, việc cần làm ngay là bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng và xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Ông Chung cũng cho rằng thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực. Vì thế để hoạt động du lịch sớm được “hồi sinh,” một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành./.
Ý kiến ()