Cột bán xăng mi ni - Cấm hay không?
LSO-Do nhu cầu tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh rất nhiều những điểm bán xăng, (gọi tắt là cột bơm mi ni) tự phát mọc lên phục vụ người dân. Về quy định kinh doanh xăng dầu thì điểm bán xăng, cột bơm tự phát ấy không được phép hoạt động. Thế nhưng do quan hệ cung - cầu thì những điểm bán xăng ấy vẫn mọc lên. Vậy cấm hay không cấm họ hoạt động?
Bán lẻ xăng trên quốc lộ 4B đoạn xã gia Cát, huyện Cao Lộc |
Có lẽ càng vùng sâu, vùng xa thì các điểm bán xăng bằng cột bơm mi ni càng nhiều như nấm sau mưa. Lấy ví dụ như địa bàn xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, người dân muốn mua xăng phải di chuyển quãng đường tầm 40 km mới đến cây xăng gần nhất thuộc thị trấn Na Dương. Sẽ rất bất tiện nếu không có các điểm bán lẻ xăng dầu dọc đường. 40 km người mua xăng đi bằng xe máy chắc lượng xăng đổ đầy bình chứa xe máy cũng chỉ đủ cả đi lẫn về mà thôi.
Theo thống kê mới nhất, hiện toàn tỉnh có 71 cây xăng được cấp phép hoạt động với trên 200 vòi bơm. Cùng với đó toàn tỉnh còn tồn tại trên 1.000 điểm bán xăng dầu bằng can, cột bơm mi ni. Theo Nghị định 97/2013, ngày 27/8/2013 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì những điểm bơm mi ni này không đủ tiêu chuẩn để hoạt động về vệ sinh an toàn phòng chống cháy nổ, không đảm bảo chất lượng xăng dầu cũng như đo lường. Thế nhưng thực tế ở miền núi vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của nó, đơn giản các điểm bơm mi ni này phục vụ nhu cầu người dân một cách hữu hiệu. Theo ông Trần Hữu Đắc, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thì trước đây đã có nhiều ý kiến cho rằng phải dẹp bỏ các điểm buôn bán xăng dầu bằng điểm bơm, chai lọ, can. Thế nhưng nếu bỏ nó chắc chắn sẽ làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Họ lại phải tích trữ xăng dầu, mà hộ nào cũng tích trữ xăng thì mức độ nguy hiểm về cháy nổ còn tăng lên gấp bội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các điểm bán xăng dầu bằng cột bơm mi ni là các đại lý tổng hợp của các cây xăng cơ bản có dụng cụ chứa, dự trữ xăng dầu. Họ không chỉ phục vụ phương tiện cơ giới đường bộ mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì thế, nếu không có các cột bơm mi ni, nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như trong đời sống. Ông Lý Văn Dương, nông dân xã Nam Quan, huyện Lộc Bình cho biết: mua vài lít xăng đổ máy phát điện mà phải đi gần 10 km ra cây xăng lớn tận thị trấn Na Dương thì mất nhiều thời gian vừa tốn kém cho việc đi lại. Vì thế, chúng tôi có thói quen mua ngay tại các điểm bán xăng trong xã, dù có đắt hơn một chút nhưng vẫn tiết kiệm hơn.
Như vậy người dân vẫn chấp nhận cây xăng tự phát và coi đó như một dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của họ. Nhu cầu đó là tất yếu khi ở địa bàn miền núi các điểm quy hoạch xăng dầu cách rất xa nhau. Cũng theo ông Trần Hữu Đắc, do tính chất kinh doanh xăng dầu ở miền núi, rất khó xóa bỏ các cột bơm mi ni vì thực tế đấy cũng là phục vụ. Hiện đơn vị đã trình để sửa đổi quy định cho phù hợp, công nhận sự tồn tại của các cột bơm mi ni. Nếu chấp nhận sự tồn tại của các điểm bán lẻ xăng dầu, cột bơm mi ni thì việc tiếp theo là cần tập hợp, huấn luyện cho người bán về an toàn, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là thực hiện tiêu chuẩn đo lường. Là một điểm kinh doanh xăng dầu bằng cột bơm mi ni trên quốc lộ 4B, ông Hoàng Văn Xuân, thôn Bắc Đông, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: trước đây rất nhiều cơ quan đến kiểm tra, thấy “nhiêu khê” quá, ông bỏ bán xăng. Thế nhưng bà con, khách đi đường yêu cầu ông bán trở lại. Chỉ mang tính phục vụ, lãi chẳng được bao nhiêu, nguyện vọng của ông là muốn được tập huấn về xăng dầu, phòng chống cháy nổ để phục vụ người dân.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 điểm bán lẻ xăng dầu, số lượng dự trữ ở các cột mi ni lên tới hàng triệu lít, một con số không hề nhỏ. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy rất cần thắt chặt quản lý nhưng với thực tế quy hoạch xăng dầu miền núi cũng cần tính đến yếu tố phục vụ. Hiện nay nếu không cho các cột bơm mi ni hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa. Trong khi chờ cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định và kết luận nên hay không nên tồn tại các điểm bán xăng dầu mi ni thì các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần thắt chặt kiểm tra về an toàn, đo lường, hướng về yếu tố phục vụ nhân dân. Bởi các điểm bán xăng bằng cột bơm mi ni cũng là một nhu cầu tất yếu của quan hệ cung – cầu ở miền núi.
NGUYỄN ĐÔNG
Ý kiến ()