1
89
5018343
108
Công viên địa chất Lạng Sơn - "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ IV: Vươn tầm quốc tế) - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/cong-vien-dia-chat-lang-son-vien-ngoc-quy-vung-bien-cuong-dong-bac-ky-iv-vuon-tam-quoc-te-5018343.html
longform
Công viên địa chất Lạng Sơn - "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ IV: Vươn tầm quốc tế)

Cover

Đạt Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO và hội nhập với mạng lưới CVĐC quốc tế là mục tiêu lớn mà tỉnh Lạng Sơn hướng đến khi triển khai xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn. 

Theo quy định của UNESCO, CVĐC muốn được xem xét, công nhận là “CVĐC toàn cầu”, một trong những yêu cầu tiên quyết đó là cần có sự khác biệt so với những CVĐC đã được công nhận trước đó và tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới các CVĐC toàn cầu.

Do đó, đây là hai nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quan tâm trong quá trình hướng đến được công nhận là “CVĐC toàn cầu UNESCO”. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Là tỉnh đi sau trong xây dựng CVĐC, Lạng Sơn có lợi thế bởi có cơ hội học hỏi từ các địa phương đi trước. Đó là kinh nghiệm trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị di sản, bảo tồn cảnh quan.

Từ năm 2022, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với các chuyên gia hàng đầu của UNESCO trong việc tư vấn xây dựng CVĐC; Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh cũng có nhiều buổi làm việc với đoàn chuyên gia tư vấn do ông Guy Martini, Tiến sĩ địa chất, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO làm trưởng đoàn... Qua các buổi làm việc đó, Ban Chỉ đạo CVĐC toàn cầu tỉnh đã có định hướng rõ nét về các biện pháp phát huy giá trị địa chất trên địa bàn các huyện trong vùng CVĐC Lạng Sơn. 

Ảnh với chú thích

Đoàn công tác Văn phòng UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khảo sát và chụp ảnh lưu niệm tại đền Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng

Ông Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO cho biết: Hiện nay tại Việt Nam có 3 CVĐC toàn cầu đã được UNESCO công nhận tại Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông. Trong vùng Đông Bắc, Lạng Sơn xây dựng CVĐC sau các tỉnh Hà Giang và Cao Bằng nên việc được UNESCO công nhận sẽ gặp khó khăn hơn. Do đó, tỉnh cần chú trọng khảo sát, tìm ra những giá trị địa chất, giá trị khảo cổ, giá trị văn hóa có sự khác biệt so với các CVĐC hiện có, bổ trợ cho những giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). 

Đồng thời, chuyên gia Guy Martini cũng nhấn mạnh: Việc xây dựng CVĐC Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng không chỉ với tỉnh Lạng Sơn mà còn với toàn bộ vùng Đông Bắc Việt Nam, vì thế CVĐC Lạng Sơn cần phải bảo vệ giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, cần khai thác đặc trưng riêng của địa phương để xây dựng mô hình CVĐC khác biệt với những CVĐC khác ở Việt Nam, từ đó làm hình mẫu cho sự phát triển của hệ thống các CVĐC với tầm nhìn dài hạn hơn.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Từ những khuyến nghị hữu ích đó, ngày 17/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1091/QĐ – UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025” kèm theo Quyết định số 2386 ngày 8/12/2021 của UBND tỉnh.Theo đó, vị trí, ranh giới của CVĐC được điều chỉnh từ 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng lên 8 huyện, thành phố gồm: Bắc Sơn; Chi Lăng; Hữu Lũng; Lộc Bình; Văn Quan; thành phố Lạng Sơn; một phần của huyện Bình Gia; một phần của huyện Cao Lộc với tổng diện tích là 4.842,58 km2 (tăng 996,78 km2 so với dự kiến ban đầu), dân số khoảng 627.500 người (tương đương khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Ảnh với chú thích

Hai địa điểm thuộc huyện Lộc Bình có giá trị tiêu biểu về khảo cổ được bổ sung vào CVĐC Lạng Sơn trong tháng 7/2023

Cùng đó, quyết định cũng bổ sung một số nội dung quan trọng để tạo nên sự khác biệt, nổi bật của CVĐC Lạng Sơn đó là thêm 2 địa điểm có giá trị nổi bật của tỉnh gồm: khu vực núi Mẫu Sơn đã được phê duyệt quy hoạch Khu bảo tồn loài sinh cảnh theo Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh và Vùng trũng Na Dương, tại mỏ than Na Dương (nơi phát hiện các giá trị hóa thạch của các loài động vật, thực vật khổng lồ, đa dạng, độc đáo sống ở môi trường nước có niên đại cách ngày nay khoảng 20 - 30 triệu năm).

Các địa điểm này có giá trị khoa học vô cùng quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình hình thành lớp vỏ trái đất và sự tiến hóa của các loài động, thực vật, được mô tả trên nhiều ấn phẩm chuyên ngành và có mặt trong nhiều công bố khoa học quốc tế.

Đó là những giá trị thực sự nổi bật về mặt khảo cổ, tạo nên sự khác biệt riêng có của CVĐC Lạng Sơn với các CVĐC khác ở Đông Bắc Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đánh giá về giá trị khảo cổ, địa chất vùng trũng than Na Dương

Ngoài ra, việc phát triển các tuyến, điểm du lịch trong vùng CVĐC Lạng Sơn không chỉ căn cứ theo những giá trị nổi bật của địa chất mà còn gắn kết với các di sản văn hoá phi vật thể nổi bật của 7 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như tín ngưỡng Then của người Tày, Nùng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Yếu tố này đã tạo nên những nét độc đáo riêng có trong vùng CVĐC Lạng Sơn.

Thêm vào đó, CVĐC Lạng Sơn cũng là CVĐC có diện tích lớn nhất cả nước tính thời điểm này.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Xây dựng, thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong CVĐC và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO là hai trong những tiêu chí bắt buộc của UNESCO. Do đó, việc mở rộng hợp tác, quảng bá hình ảnh được Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn triển khai với nhiều hình thức, giải pháp.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết: Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ trong nước và quốc tế cho việc xây dựng, phát triển CVĐC Lạng Sơn; tăng cường giới thiệu, quảng bá CVĐC Lạng Sơn thông qua các hoạt động đối ngoại, các kênh ngoại giao và công tác thông tin đối ngoại.

Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia Hội nghị Quốc tế về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 10 tại Vương quốc Ma-rốc

Theo đó, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tích cực, chủ động tham gia hơn 50 hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam như: Chương trình đào tạo trực tuyến của Mạng lưới CVĐC toàn cầu với chủ đề “CVĐC toàn cầu UNESCO và phát triển bền vững”; Diễn đàn trực tuyến do Mạng lưới CVĐC Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức; Hội nghị quốc tế về CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 9…  

Cùng đó, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn còn tham gia các hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới CVĐC Việt Nam và định kỳ họp trao đổi chuyên môn với mạng lưới CVĐC trong nước và quốc tế; tổ chức làm việc trực tuyến với một số đối tác nước ngoài như: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế, Chính quyền tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Quần đảo Oki và Trường THPT Oki, Nhật Bản; ông Guy Martini, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO và một số chuyên gia tư vấn cấp cao của Việt Nam… Qua đó học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển CVĐC đồng thời giới thiệu, quảng bá, xúc tiến hợp tác, thu hút nguồn vốn phát triển CVĐC Lạng Sơn.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Kết quả tìm kiếm trên Google với từ khóa Công viên địa chất Lạng Sơn

Từ các hoạt động trên, thông tin về CVĐC Lạng Sơn xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Trong ngày 15/8/2024, khi tìm kiếm trên Google từ khóa “CVĐC Lạng Sơn” thì đã có trên 98 triệu kết quả.

Các bài báo, bài viết về CVĐC Lạng Sơn trên website, các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube đã nhận được sự quan tâm của độc giả với hơn 100.000 lượt truy cập, chia sẻ, bình luận...

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Với nền tảng bước đầu đạt được trong xây dựng CVĐC, đầu năm 2024, Ban Quản lý CVĐC đã phối hợp với UBND các huyện và các đối tác triển khai hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, nâng cao nhận thức cộng đồng, chuẩn bị đón tiếp Đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời, từ ngày 6/7 đến ngày 10/7/2024, chương trình đón tiếp, làm việc với Đoàn chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO về việc thẩm định, đánh giá hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu đã diễn ra thuận lợi, theo đúng nội dung kế hoạch. 

Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định tại một số điểm trong CVĐC Lạng Sơn

Đoàn chuyên gia sau khi thẩm định thực tế đã đưa ra những gợi ý, định hướng đối với công tác việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.

Tiến sĩ Kristin Rangnes, Chuyên gia thẩm định, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa UNESCO đánh giá: UBND tỉnh Lạng Sơn và cộng đồng vùng CVĐC Lạng Sơn đang đi đúng hướng trong việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn. Song CVĐC Lạng Sơn cùng các CVĐC khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển, tránh việc cạnh tranh với nhau. Ngoài ra, Lạng Sơn cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục cộng đồng, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ để hướng đến mục tiêu mỗi người là một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên quảng bá về CVĐC Lạng Sơn…

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Trong buổi làm việc với Đoàn chuyên gia UNESCO (ngày 10/7), đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn khẳng định: Xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định rõ trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh theo xu thế hội nhập quốc tế. Lạng Sơn cam kết sẽ luôn tích cực quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng CVĐC Lạng Sơn đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, tích cực tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Đồng thời, tích cực khai thác, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, lâu đời để phát triển, xây dựng CVĐC mang bản sắc riêng biệt, độc đáo.

Ảnh với chú thích

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn chuyên gia UNESCO

Theo kế hoạch, tháng 9/2024, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO sẽ họp và bỏ phiếu đánh giá hồ sơ của CVĐC Lạng Sơn tại Hội nghị chuyên đề Mạng lưới CVĐC Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8 tại tỉnh Cao Bằng.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ và những kết quả đạt được bước đầu trong quá trình hình thành, xây dựng và hoàn thiện CVĐC Lạng Sơn, tin tưởng rằng "viên ngọc quý" CVĐC Lạng Sơn sẽ sớm "tỏa sáng", được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu.

(Hết)

Kỳ I: Bảo tàng sống động
Kỳ II: Khám phá "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng"
Kỳ III: Xây dựng kỳ quan địa chất từ sức mạnh cộng đồng 
 

Thực hiện:
Tuyết Mai - Hoàng Như - Hoàng Hiếu