Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được các cấp, ngành, tổ chức và Nhân dân cùng tham gia, đến nay, 4 tuyến, điểm trong vùng CVĐC đã hình thành. Kết quả này có được không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cộng đồng, để qua đó góp phần đưa CVĐC Lạng Sơn tiến gần hơn đến mục tiêu là “CVĐC toàn cầu”.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu hướng đến danh hiệu “CVĐC toàn cầu”, nhiệm vụ nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt được các chuyên gia nhấn mạnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là chú trọng tập trung nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trên địa bàn - thế hệ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển các giá trị của CVĐC trong tương lai.
Cùng đó, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng CVĐC đã tạo nên sức mạnh tổng hợp hình thành nên diện mạo CVĐC Lạng Sơn như hiện nay.
Năm 2021, UBND tỉnh Ban hành Quyết định số 1763/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, giao từng thành viên Ban Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.
Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám Đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Trưởng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết: Từ khi thành lập CVĐC Lạng Sơn, Ban Quản lý CVĐC đã ban hành kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn thành lập tiểu ban quản lý CVĐC tại các huyện, thành phố trong vùng CVĐC để chủ động triển khai thực hiện từng nhiệm vụ nêu tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các điểm trong vùng CVĐC là một trong những nội dung cần sự vào cuộc của cộng đồng và cần duy trì thường xuyên, liên tục.
Theo đó, việc hình thành 4 tuyến với 38 điểm tham quan trong vùng CVĐC chính là thành quả rõ nhất từ sự vào cuộc của các cấp, ngành trong phối hợp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng CVĐC. Trong đó, các đối tác là "mắt xích" vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hình thành các điểm. Chính vì vậy, từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã chú trọng khảo sát, lựa chọn các đối tác phù hợp và tiến hành ký kết chính thức với 38 đơn vị đối tác (gồm các nhà nghỉ, nhà hàng, homestay, điểm du lịch, các đơn vị sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP), đồng thời liên tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới đối tác tại các điểm du lịch trong 4 tuyến du lịch vùng CVĐC.
Một số đối tác tham gia CVĐC Lạng Sơn
Anh Nguyễn Đình Lâm, chủ Homestay Sơn Thủy, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Sau khi được vận động tham gia CVĐC Lạng Sơn, chúng tôi đã chủ động đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà nghỉ du lịch cộng đồng đạt chuẩn, trong đó chú trọng phát huy nét đẹp của nhà sàn truyền thống, đưa các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh chưng cẩm, bánh giò bầu, xôi cẩm… vào phục vụ nhu cầu của du khách. Đến tháng 7/2023, cơ sở của chúng tôi chính thức ký kết là đối tác với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn. Trở thành đối tác CVĐC, chúng tôi ý thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ sở đối với sự phát triển của CVĐC. Do đó, ngoài việc không ngừng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở, chúng tôi còn tích cực sử dụng các trang mạng xã hội giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống. Nhờ đó, lượng khách đến với cơ sở cũng ngày càng tăng lên.
Trở thành đối tác CVĐC, chúng tôi ý thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ sở đối với sự phát triển của CVĐC Lạng Sơn. Do đó, ngoài việc không ngừng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở, chúng tôi còn tích cực sử dụng các trang mạng xã hội giúp khách du lịch dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống.
Anh Nguyễn Đình Lâm, chủ Homastay Sơn Thủy
Cùng với sự chủ động từ các đối tác, sự quan tâm của các huyện trong vùng CVĐC, cơ sở hạ tầng cơ bản của các tuyến, điểm tham quan vùng CVĐC Lạng Sơn liên tục được hoàn thiện. Ngoài kinh phí được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa cũng được đẩy mạnh.
Cụ thể từ năm 2023 đến nay, đã có 9 đơn vị được vận động tài trợ theo hình thức trao tặng hiện vật (biển bảng chỉ dẫn, mô hình 2D, đá hộc, ghế làm bằng rọ đá, chỉnh trang nhà trình tường, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan...) với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đang tổ chức các đoàn khảo sát kết hợp vận động người dân tham gia kiến tạo không gian văn hoá, trải nghiệm tại các điểm như: sân phơi cao khô tại điểm Làng nghề Cao khô Vạn Linh và chợ Vạn Linh (kết hợp tham quan du lịch, mua sắm) thuộc xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng; Nhà thờ họ Hà Thổ Ty (tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn số 3); nhà sàn tại khu vực hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn số 2)… nhằm hoàn thiện và phát triển thêm về cơ sở hạ tầng các điểm CVĐC.
Ngoài các nhiệm vụ tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, địa chất; xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tuyến du lịch vùng CVĐC thì hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để CVĐC địa chất Lạng Sơn được công nhận là CVĐC toàn cầu. Do đó thời gian qua, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của di sản cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ được Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cùng các cấp, ngành liên quan tập trung hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên.
Nổi bật là chương trình ký kết triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVĐC giai đoạn 2022 – 2025 giữa Sở VHTT&DL và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng UBND các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở 5 lớp tập huấn về CVĐC Lạng Sơn cho hơn 100 cán bộ là giáo viên các trường học nằm trong vùng CVĐC.
Các giáo viên sau khi được nắm thông tin sẽ là những cộng tác viên trực tiếp tuyên truyền đến học sinh của mình về CVĐC Lạng Sơn.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ đầu năm 2022, sở đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh về CVĐC Lạng Sơn. Qua đó, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn thông qua các buổi họp hội đồng, thông tin trên bảng tin, website; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại trường học, hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp; lồng ghép các nội dung giáo dục tuyên truyền vào chương trình giáo dục các cấp học, các môn học, bài học cụ thể. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về CVĐC Lạng Sơn.
Để việc nâng cao nhận thức về CVĐC được thực hiện hiệu quả, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Do đó, thời gian qua đã có hơn 50 dự án, mô hình hiệu quả tuyên truyền về CVĐC Lạng Sơn được triển khai trên địa bàn các huyện dành cho học sinh. Tiêu biểu như: huyện Bình Gia xây dựng mô hình lớp học về nguồn được tổ chức ngay tại di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai; huyện Hữu Lũng triển khai cuộc thi tìm kiếm tài năng “Em là hướng dẫn viên du lịch” tại các trường khối tiểu học và trung học cơ sở…
Cùng đó, ngành GD&ĐT còn tích cực tổ chức và phối hợp với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh các trường trong vùng CVĐC. Điển hình như tổ chức diễn đàn “5 việc em đang làm để bảo vệ Trái đất”; Cuộc thi “Em là hướng dẫn viên du lịch”; cuộc thi “Sáng kiến phát triển du lịch – giáo dục gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dựa trên các thế mạnh tự nhiên, văn hoá tại các huyện trong vùng CVĐC tỉnh Lạng Sơn”; giao lưu bằng tiếng Anh nhân các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước…
Đơn cử ngày 8/8/2024 vừa qua, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn phối hợp với Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tổ chức Cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh về góc CVĐC Lạng Sơn” với chủ đề “Dòng chảy thời gian - Walk on Time”.
Em Tô Phương Anh, lớp 11A7, Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: Tham gia cuộc thi “Hùng biện tiếng Anh về góc CVĐC Lạng Sơn”, em đã tìm đọc các tài liệu về CVĐC Lạng Sơn cũng như góc CVĐC được đặt tại khuôn viên trường. Từ đó, em lựa chọn tập trung giới thiệu về Con bọ Ba Thuỳ - 1 sinh vật cổ từng sống ở biển khoảng 500 triệu năm trước có hóa thạch được phát hiện trong vùng CVĐC Lạng Sơn. Em mong muốn các bạn sẽ hiểu biết sâu hơn về CVĐC, cũng như giá trị của các di sản địa chất, đặc biệt là những loài sinh vật góp phần vào sự tiến hoá đã từng tồn tại trong khu vực CVĐC Lạng Sơn. Với phần thi của mình, em đã giành được giải nhất. Đây là động lực để em tự tin hơn trong việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh quê hương cũng như những nét riêng độc đáo của CVĐC Lạng Sơn đến với đông đảo người dân và du khách.
Có thể khẳng định, việc xây dựng CVĐC Lạng Sơn là một hành trình dài, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và Nhân dân trên địa bàn, tin rằng CVĐC Lạng Sơn sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển, từng bước tỏa sáng, trở thành viên ngọc quý trên bản đồ du lịch thế giới.
(Còn nữa)
Ý kiến ()